(Tin Môi Trường) - Sau gần 10 năm, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất điều tra vụ án tham nhũng đất đai tại tỉnh Bình Dương, có liên quan đến ông Cao Minh Huệ, nguyên Giám đốc Sở Địa chính tỉnh (nay là Sở TN-MT).
Một phần khu đất Sobexco đã bán cho tư nhân-ẢNH: CTV
* “Biếu không” hàng trăm héc ta đất cao su cho tư nhân
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất điều tra vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Bình Dương, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 3 bị can, gồm: Cao Minh Huệ, nguyên Giám đốc Sở Địa chính tỉnh; Đỗ Văn Sâm, nguyên cán bộ Phòng NN-PTNT H.Bến Cát và Phan Văn Trung, nguyên Trưởng phòng NN-PTNT H.Bến Cát.
Đây được coi là "kỳ án" khi đã từng 2 lần tạm đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can, sau đó lại phục hồi điều tra.
Nhức nhối thất thoát đất công khi cổ phần hóa Theo kết luận điều tra, Công ty chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu (Sobexco) là doanh nghiệp nhà nước có trụ sở tại H.Bến Cát, tỉnh Bình Dương, được nhà nước giao quản lý 706 ha đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất nên không có quyền chuyển nhượng đất được giao. Tuy nhiên, với sự tiếp tay của các bị can, nguyên là cán bộ của cơ quan chức năng H.Bến Cát và tỉnh Bình Dương, Sobexco đã chuyển nhượng cho nhiều cá nhân sau đó được UBND H.Bến Cát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Cụ thể, trong giai đoạn 2000 - 2001, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sobexco đã có tờ trình và được UBND tỉnh cho phép bán gần 660 ha vườn cao su không tính giá trị đất. Trong đợt 1, Sobexco bán 306,9 ha vườn cây cao su với giá 22 triệu đồng/ha không tính giá trị đất. Theo quy định của luật Đất đai, 40 trường hợp đã mua diện tích nêu trên được cấp giấy tờ với hình thức cho thuê đất. Tuy nhiên Phan Văn Trung, trưởng phòng và Đỗ Văn Sâm, cán bộ phòng NN-PTNT H.Bến Cát đã hướng dẫn Nguyễn Thanh Hải ký 41 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật rồi nộp hồ sơ lên Sở Địa chính để xác nhận các hợp đồng trên.
Với vai trò là Giám đốc Sở Địa chính, Cao Minh Huệ biết rõ giá bán gần 307 ha vườn cao su nêu trên không tính giá trị đất và người mua phải thuê đất. Tuy nhiên, thay vì đề nghị UBND tỉnh thực hiện việc cho thuê đất thì ông Huệ có văn bản đề nghị “giao UBND H.Bến Cát xem xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật”, và đưa thêm cụm từ “giá trị đất” vào văn bản để các cơ quan chức năng hiểu rằng Sobexco bán cả cây và đất nên người mua sẽ được cấp sổ đỏ. Trên thực tế, từ năm 2001, cả 41 trường hợp chuyển nhượng trên đã được UBND H.Bến Cát cấp sổ đỏ. Tiếp đó trong đợt 2, Sobexco đã bán 352 ha vườn cao su cho 36 người mua với giá 50 triệu đồng/ha, không tính giá trị đất và tiếp tục được UBND H.Bến Cát cấp sổ đỏ cho 31 trường hợp.
Trong quá trình UBND tỉnh kiểm tra tính hợp pháp 71 sổ đỏ được cấp, bị can Cao Minh Huệ đã ký văn bản gửi các cơ quan chức năng báo cáo trong đó viện dẫn các quy định không đúng thực tế, không đúng quy định pháp luật để chứng minh UBND tỉnh cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất cao su. Từ đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng tiến hành bồi thường, hỗ trợ về đất để giải phóng mặt bằng khu liên hợp công nghiệp dịch vụ Tây An (nơi diện tích cao su đã được bán và cấp sổ đỏ).
Động cơ vụ lợi cá nhân
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ việc Sobexco bán gần 660 ha vườn cao su và được UBND H.Bến Cát cấp sổ đỏ trái pháp luật gây thiệt hại số tiền 131,2 tỉ đồng, trong đó chỉ tính riêng tiền có từ nguồn gốc ngân sách nhà nước phải bỏ ra để chi trả bồi thường, hỗ trợ về đất lên tới hơn 128,3 tỉ đồng, còn lại là các khoản khác như tiền thuê đất, giá trị sử dụng đất chưa bồi thường, phí trước bạ...
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 4 bị can, trong đó có Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sobexco. Tuy nhiên bị can Hải qua đời nên đình chỉ điều tra. Các bị can Cao Minh Huệ và Đỗ Văn Sâm đã quanh co chối tội, cản trở hoạt động điều tra, bị can Phan Văn Trung thành khẩn khai báo nên Cơ quan CSĐT đã đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét khi lượng hình.
Đáng chú ý, Cơ quan CSĐT làm rõ, trong đợt bán đất vườn cao su đầu tiên cho 40 trường hợp thì có 2 trường hợp là em gái của ông Nguyễn Thanh Hải là bà Nguyễn Thị Yến và Nguyễn Thị Năm được cấp sổ đỏ 198.000 m2 với giá tiền mua là hơn 335 triệu đồng vào năm 2001 (1.695 đồng/m2). Đến năm 2003, 2 người này đã chuyển nhượng cho người khác tại Bình Dương với giá gần 3 tỉ đồng. Vợ chồng Đỗ Văn Sâm được cấp hơn 140.000 m2. Mẹ đẻ của Phan Văn Trung được cấp hơn 42.000 m2, sau đó chuyển nhượng cho em trai Trung là Phan Văn Thuần. Đến năm 2007, ông Thuần chuyển nhượng cho người khác với giá 3,6 tỉ đồng.
Trong đợt bán vườn cao su lần 2, gia đình ông Cao Minh Huệ đã mua 75,3 ha vườn cao su, đứng tên 8 người thân của ông Huệ. Thời điểm bán đất, theo quy định hạn mức sử dụng đất nông nghiệp chỉ có 10 ha/hộ, nhưng sau đó ông Huệ đã có văn bản đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý tăng hạn mức giao đất nông nghiệp trên địa bàn lên 30 ha/hộ. Lúc đó, vợ và 2 con của ông Huệ làm thủ tục nhận lại diện tích vườn cây đã nhờ 5 người khác đứng tên...
Đề nghị khẩn trương thu hồi tiền và đất đã cấp sổ đỏ
Cùng đề nghị truy tố 3 bị can, Cơ quan CSĐT đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương có biện pháp thu hồi toàn bộ số tiền đã bồi thường và đất đã giao trái quy định pháp luật. Đồng thời đề nghị xem xét xử lý hành chính nghiêm khắc đối với ông Nguyễn Hữu Chí, Phó chủ tịch UBND H.Bến Cát, người đã ký, cấp 70 sổ đỏ; Võ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế Bình Dương, ký văn bản xác định việc Sobexco được chuyển nhượng đất; Bà Trần Kim Vân và ông Phan Hồng Đoàn, giai đoạn cùng là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và ông Hồ Minh Phương, giai đoạn là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký vào các văn bản, quyết định cho Sobexco bán đất. Những người này đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng do không phát hiện có tư lợi, vụ lợi nên cơ quan công an không kiến nghị xử lý hình sự.