(Tin Môi Trường) - Quan nào rồi cũng trở về làm dân và khổ trăm bề. Vậy mà sao khi còn quyền cao chức trọng, nhiều quan hống hách đến vậy?
Ông Nguyễn Hữu Quế - Bí thư Huyện ủy Ia Grai, tỉnh Gia Lai - có cách trị cán bộ, công chức hống hách khá đơn giản mà hiệu quả.
Cách làm của ông là vào vai thường dân, thường xuyên "vi hành" đến các cơ quan hành chính nhà nước trong huyện.
Bữa nọ, ông vào trụ sở UBND xã Ia Pếch trong giờ làm việc, bắt gặp ông Nguyễn Cảnh Thắng, công chức phụ trách địa chính xã, đang... ngủ. Ông Quế gọi, ông Thắng trợn mắt, hếch mặt lên hỏi "có việc gì?", rồi lầm bầm và... ngủ tiếp!
Ông Bí thư chỉ đạo xã tổ chức kiểm điểm, kỷ luật cán bộ vi phạm. Tập thể đã bỏ phiếu đề xuất hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Cảnh Thắng.
Chuyện này chỉ là một lát cắt nhỏ trong bức tranh tổng thể về tình trạng quan liêu, hống hách của cán bộ, công chức đối với người dân. Mới chỉ là quan xã mà đã vậy, huống gì ở cấp to hơn, quyền hành lớn hơn.
Nghĩ cũng lạ, quan nào rồi cũng sẽ về làm dân, thậm chí xui rủi bị cho về vườn sớm, làm phận dân còn chưa an yên, mà sao có thái độ xa dân, khinh dân đến vậy. Dân làm lụng, dân nộp thuế để trả lương cho cán bộ, công chức; mong cán bộ, công chức tận tâm với việc nước, việc dân. Thế nhưng muốn được cán bộ đối xử tử tế cũng không được. Dân đến cửa quan như vào hang cọp, nghe "có việc gì?" là lạnh sống lưng. Trường hợp ông Bí thư Huyện Ia Grai Nguyễn Hữu Quế gặp phải ở xã Ia Pếch là rất thường thấy. Rồi sau này, khi đã hưu trí, ông Quế lại có việc đến xã, cũng sẽ bị hất hàm mà hỏi "có việc gì" cho xem! Bởi dạng cán bộ như ông Nguyễn Cảnh Thắng còn nhiều lắm.
Còn nhớ cách nay gần một năm, việc nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình bị nữ cán bộ hành chính ở phường 7, quận 3, TP HCM làm khổ khi lãnh lương hưu trở thành câu chuyện gây chú ý. Ông phó tổng thanh tra nghỉ hưu từ năm 2015, sau đó đều đặn đến UBND phường 7 lãnh lương hưu hằng tháng. Năm 2017, ông chuyển sang nhận lương hưu qua thẻ ATM và bị phường "treo" 5 tháng không trả. Nữ cán bộ phường không những không hướng dẫn cho ông mà còn quát tháo. Sau này, giải quyết xong, người ta đến nhà xin lỗi ông Bình.
Có lẽ vì ông Bình là cựu quan chức to nên mới được xin lỗi, chứ là dân thường thì làm gì được vinh dự vậy. Mà nữ cán bộ này xui thôi, quát nạt dân quen rồi...
Cũng từ chuyện ấy, có lẽ ông nguyên phó tổng thanh tra mới thấm rằng làm thường dân sao mà khổ quá. Quan trên nạt quan dưới, quan dưới nạt quan dưới nữa, quan dưới nữa nạt dân. Mà quan rồi cũng sẽ về làm dân, nay cá ăn kiến thì mai kiến ăn cá thôi.
Xưa nay, dân gian kháo nhau làm quan thì hưởng lộc; được ăn, được nói, được gói đem về. Cái lộc ấy cũng nhờ dân mà có, từ dân mà thành, nên phải luôn biết "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Làm quan mà chưa phụng hiến đã lo tận hưởng, bỏ qua phép tắc, coi thường cấp dưới thì trước sau gì cũng ngã ngựa. Lúc ấy thì ê chề, mấy ai đến ngõ. Còn bạc còn tiền còn đệ tử/ Hết cơm hết rượu hết ông tôi. Thói đời là vậy.
Quan nhất thời, dân vạn đại. Cho nên, lúc đang quyền cao chức trọng chớ đừng hống hách, khi về làm dân sẽ thấm đòn vì còn rất nhiều kẻ hống hách, cường quyền giống như mình. Mà thấm đòn kiểu ấy, càng đau hơn, đau lắm luôn!