(Tin Môi Trường) - Việc khai thác khoáng sản, tàn phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, lấn chiếm lòng suối để xây dựng công trình, nhà cửa, làm giảm hoặc thậm chí mất hành lang thoát lũ là nhân tố quan trọng tạo ra nguy cơ nứt núi, lở đất, lũ quét…
Mới đây, tại Hội thảo khoa học Giải pháp công nghệ trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất diễn ra tại Hà Nội, bà Đặng Thanh Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn – Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết, trung bình mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét. Bốn khu vực tại Việt Nam thường xuyên xảy ra lũ quét là vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.
Bà Đặng Thanh Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Dương).
Cũng theo bà Mai, nguyên nhân gây sạt lở đất thường liên quan đến những yếu tố gây mất ổn định trong sườn dốc, thường xác định bởi một hoặc nhiều yếu tố nguyên nhân và chỉ một yếu tố kích hoạt.
Yếu tố nguyên nhân (còn gọi được gọi là tác nhân, yếu tố môi trường, yếu tố thành phần, yếu tố khống chế) là những điều kiện làm cho địa chất, địa hình, địa mạo, các điều kiện tự nhiên khác và các yếu tố liên quan đến các hoạt động của con người. Yếu tố kích hoạt là yếu tố chính làm cho sườn dốc bị tổn thương dẫn đến mất ổn định, là sự kiện duy nhất cuối cùng khởi phát sự cố/thảm họa sạt lở đất. Yếu tố kích hoạt có thể là các yếu tố ngoại sinh (mưa, bão, lũ, lụt, các quá trình phong hóa đất đá,…), các yếu tố nội sinh (động đất), hoặc các yếu tố nhân sinh (phá rừng, nổ mìn, khai thác khoảng sản, san lấp, cắt, xẻ sườn đồi, núi,…). Ở Việt Nam, mưa được coi là yếu tố kích hoạt tự nhiên chủ yếu của các thiên tai sạt lở đất.
Bà Mai thông tin tiếp, các tác động của con người vào đất có ảnh hưởng đến đặc tính đất, làm đất xói mòn và do đó ảnh hưởng đến quá trình hình thành lũ quét, sạt lở đất.
“Việc khai thác làm rừng nguyên sinh và phòng hộ bị tàn phá; khai thác khoảng sản, lấn chiếm lòng suối để xây dựng công trình, nhà cửa, đường giao thông làm giảm hoặc thậm chí mất hành lang thoát lũ là nhân tố quan trọng tạo ran guy cơ nứt núi, lở đất, lũ quét. Xây dựng công trình hồ chứa (đặc biệt loại do nhân dân tự làm), đập thủy điện không đủ an toàn tạo ra nguy cơ vỡ đập gây ra dòng lũ quét nhân tạo” – bà Mai cho biết.
Bà Mai cho rằng có nhiều loại hình lũ quét khác nhau. Lũ quét sườn dốc phát sinh chủ yếu do mưa cường độ lớn trên các lưu vực có khả năng tập trung nước nhanh. Lũ quét vỡ dòng phát sinh do vỡ các hồ tự nhiên hoặc nhân tạo trong các thung lũng sông miền núi, thường có dạng sóng với tốc độ đặc biệt cao. Lũ quét nghẽn dòng xuất hiện do cấu trúc địa chất-địa hình đặc thù hoặc mưa lớn gây trượt lở, sập hang, đất đá gỗ cây lấp cửa hang, đường thoát nước. Lũ bùn đá xuất hiện ở nơi có cường độ mưa lớn, tập trung, địa hình dốc, cấu tạo địa chất dễ bị sụp lở như đất hoàng thổ, đất cát pha sét, lớp diện thạch anh và đá vôi dễ gây trượt trọng lực. Lũ quét hỗn hợp là sự kết hợp cùng một lúc hay nhiều loại hình lũ quét khác nhau và tác nhân gây lũ quét hỗn hợp rất đa dạng.
“Mưa lớn là nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở đất. Các hình thế thời tiết điển hình gây mưa lớn, mưa diện rộng, đồng thời yếu tố địa hình ở các lưu vực tạo khả năng hội tụ gió ẩm làm tăng đáng kể lượng mưa và cường độ mưa gây nên lũ quét. Không chỉ mưa cường độ rất lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất mà trường hợp mưa kéo dài nhiều ngày làm bão hòa lớp đất, không còn khả năng trữ nước và kết dính nên chỉ cần một đợt mưa không lớn sẽ cuốn theo cây cối, đất đá cũng có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất”- bà Mai chia sẻ thêm.
Đợt mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Lai Châu vừa qua (từ 23/6 đến 28/6) đã làm 17 người chết, 8 người mất tích, thiệt hại hơn 410 tỷ đồng.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm tăng xu hướng các trận mưa có cường độ lớn ở Việt Nam, diễn biến mưa phức tạp khó đoán định dẫn đến tăng nguy cơ lũ quét và khó khăn trong công tác dự báo.
Cuối cùng bà Mai đưa ra khuyến cáo, có một số dấu hiệu cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trên thực địa như cây cối nghiêng đổ; các vết nứt trên sườn núi, dưới nền, nằm gần đường nước chảy; sự dịch chuyển trên mặt sườn đồi, núi; những khối lở đất nhỏ; sự bất ngờ tăng hoặc giảm lưu lượng dòng chảy, sự thay đổi màu sắc thành phần của nước, có tiếng bục yếu ớt phát ra với cường độ âm thanh tăng dần; tiếng cây đứt, gãy, đổ, các mảnh vỡ di chuyển, hoặc tảng đá va chạm vào nhau có thể báo hiệu sự di chuyển của dòng bùn đá. Tuy nhiên, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra mà không có bất cứ dấu hiệu nào nên luôn phải sẵn sàng di chuyển một cách nhanh chóng.