(Tin Môi Trường) - Chuyên gia khuyến cáo nếu không giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nắng nóng cực đoan sẽ trở thành điều bình thường trong thời gian tới
Một đợt nóng dai dẳng đang bao trùm nhiều khu vực trên thế giới, phá vỡ nhiều kỷ lục về thời tiết ở Canada, Mỹ, châu Âu và Trung Đông.
Nắng như thiêu như đốt đã đẩy nhiệt độ nhiều nơi tăng cao, gây ra cơn nóng ngột ngạt khắp miền Đông và miền Trung Canada. Đó là nguyên nhân khiến ít nhất 18 người chết ở tỉnh Quebec chỉ trong vòng vài ngày qua, theo giới chức y tế nước này hôm 4-7 (giờ địa phương). TP Montreal, tỉnh Quebec đã trải qua ngày nóng nhất trong vòng 147 năm qua khi nhiệt độ chạm mốc 36,6 độ C hôm 2-7, theo báo Daily Mail.
Trẻ em giải nóng ở TP Montreal - Canada. Ảnh: EPA
"Nắng nóng khắc nghiệt và kéo dài đang bao trùm Canada. Đây là đợt nóng nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ, đặc biệt là ở TP Montreal, nơi nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục năm 1963 đã bị phá trong 2 ngày 1 và 2-7" - nhà khí tượng học Ross Hull cho biết.
Theo hãng tin The Canadian Press, Cơ quan Môi trường Canada khẳng định các cảnh báo nắng nóng vẫn còn hiệu lực ở nhiều địa phương với nhiệt độ cao hơn mức bình thường xuất hiện trong ngày 5-7 (giờ địa phương). Riêng giới chức TP Montreal nói họ đang nỗ lực tránh tái diễn hậu quả của đợt nắng nóng khiến 106 người thiệt mạng năm 2010.
Tại Mỹ, người dân tại một số bang đã trải qua ngày quốc khánh nóng bức hôm 4-7 sau khi ít nhất 5 người thiệt mạng. Tiết trời nóng nực bao trùm 2/3 miền Đông nước này từ cuối tuần qua. Đáng chú ý, Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cho biết nhiệt độ tại TP New York trong ít nhất 7 ngày qua vượt mốc 32 độ C - một hiện tượng chỉ xảy ra một lần trong khoảng 33 năm. Trong khi đó, TP Denver, thủ phủ bang Colorado, đã đạt nhiệt độ kỷ lục 40,5 độ C hôm 28-6.
Nhiều nơi ở châu Âu cũng chịu chung cảnh thiêu đốt. Scotland, Ireland và Bắc Ireland đều chứng kiến nhiệt độ tăng lên mức kỷ lục, khoảng 32-33 độ C. Giới chuyên gia cuối tuần rồi dự báo nắng nóng tại Anh dự kiến kéo dài ít nhất 2 tuần, còn Pháp đã ban bố cảnh báo thời tiết ở 21 vùng trên khắp đất nước. Một số địa điểm ở miền Nam nước Nga hôm 5-7 đã vượt qua mốc nhiệt độ nóng nhất hồi tháng 6.
Ngoài ra, nhiệt độ ở thủ đô Tbilisi - Georgia đã đạt mức cao kỷ lục 40,5 độ C hôm 4-7. Còn người dân ở thủ đô Yerevan - Armenia hôm 2-7 cũng phải sống chung với thời tiết nóng đến 42 độ C, cũng là một kỷ lục mới trong tháng này. Ở châu Á, nắng nóng gay gắt trên diện rộng xảy ra tại Việt Nam trong những ngày qua với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 37-40 độ C, thậm chí có những nơi lên hơn 40 độ C.
Bánh xe bị nhựa đường nóng chảy bao phủ làm hư hại ở bang Queensland - Úc. Ảnh: ABC NEWS
Một số nhà khoa học cho rằng quy mô hiện tượng nắng nóng toàn cầu hiện nay cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu ít nhiều phải chịu trách nhiệm. "Mùa hè ngày một nóng hơn. Các đợt nóng hiện gay gắt hơn nhiều so với thời cha mẹ tôi trong những năm 1950" - chuyên gia Friederike Otto của Trường ĐH Oxford (Anh) nhận định.
Ông Blair Feltmate, nhà khoa học tại Trường ĐH Waterloo (Canada), cũng cho rằng nắng nóng không có gì mới lạ nhưng sự kéo dài và cực đoan của nó có liên quan biến đổi khí hậu . "Tất cả dự báo đều cho thấy thời tiết sẽ nóng, ẩm ướt và phức tạp hơn ở Canada trong thời gian tới. Điều quan trọng, đây là xu hướng chung trong dài hạn chứ không chỉ xảy ra trong một năm cụ thể nào" - ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng nhiệt độ bình quân hằng năm của thế giới hiện cao hơn 1 độ C so với một thế kỷ trước.
Trước mắt, theo tờ Daily Mail, mùa hè năm 2018 dự kiến sẽ là mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận. Ông Otto cảnh báo nếu các nước không nỗ lực giảm bớt lượng chất khí thải gây hiệu ứng nhà kính, kiểu thời tiết cực đoan như trong mùa hè này sẽ trở thành điều bình thường khi thế hệ sau trưởng thành.
Kỷ lục đáng sợ
Làng chài Quriyat ở miền Đông Bắc Oman xác lập kỷ lục thế giới mới khi nhiệt độ duy trì từ mức 42,6 độ C trở lên suốt 51 giờ liên tiếp, bắt đầu từ ngày 26-6. Cũng trong ngày này, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận tại Quriyat vào khoảng 49,8 độ C. Dù có môi trường sa mạc song Quriyat lại có độ ẩm cao (do nhiệt độ nước biển ngoài khơi Oman thời điểm này rất ấm), khiến cho không khí tại đây rất khó chịu.
Đáng báo động, hàng loạt kỷ lục về nhiệt độ cao trong vòng 15 tháng qua đã được thiết lập ở nhiều nơi trên thế giới. Hồi tháng 4, Pakistan nóng kỷ lục với nhiệt độ lên đến 50,2 độ C, mức cao nhất từng ghi nhận trong tháng 4 trên thế giới. Trước đó, vào cuối tháng 7 năm ngoái, TP Thượng Hải - Trung Quốc có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở nơi này là 40,8 độ C.
Giữa tháng 7-2017, nhiệt độ tại sân bay Cordoba ở miền Nam Tây Ban Nha tăng cao kỷ lục lên 46,9 độ C. Cũng trong tháng này, Thung lũng Chết ở bang California - Mỹ trải qua tháng 7 nóng nhất lịch sử thế giới. Khủng khiếp nhất phải kể đến TP Ahvaz - Iran hồi cuối tháng 6-2017 vượt lên 53,7 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận tại nước này. Còn thị trấn Turbat - Pakistan (53,5 độ C) có nhiệt độ nóng nhất lịch sử quốc gia được ghi nhận vào cuối tháng 5-2017 và có tháng 5 nóng nhất thế giới.