(Tin Môi Trường) - Cho rằng dự án điện mặt trời sẽ ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá, hàng chục người dân chặn ôtô của đoàn khảo sát để phản đối.
Chiều 30/6, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết, người dân xã Mỹ Châu vẫn đang giữ 3 ôtô gồm một xe của huyện, một xe của kiểm lâm và một xe của đơn vị tư vấn khảo sát dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ.
Các ôtô của đoàn khảo sát bị người dân giữ gần đầm Trà Ổ. Ảnh: Nam Anh.
Ba hôm trước, đoàn công tác của huyện Phù Mỹ đến thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu khảo sát dự án thì bị người dân chặn ôtô và yêu cầu lãnh đạo tỉnh đối thoại. Người dân cho biết, họ lo ngại dự án triển khai sẽ ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá tự nhiên trên đầm Trà Ổ, vốn là nguồn sống của khoảng 500 hộ dân.
Chủ tịch huyện cho biết, dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư. Đoàn cán bộ đang kiểm tra tuyến điện để xem xét có phù hợp với dự án hay không, đây là hoạt động công vụ bình thường. "Chúng tôi sẽ tiến hành họp đảng bộ, công khai cho người dân biết, khi nào dân đồng thuận thì mới triển khai", ông Dũng nói.
Chiều qua, ông Nguyễn Văn Dũng đã trực tiếp xuống hiện trường để đối thoại và nghe ý kiến của dân. "Tôi đề nghị người dân về trụ sở thôn cách đó 100 m hoặc đến hội trường xã, muốn mời lãnh đạo tỉnh tôi sẽ mời, nhưng người dân bảo phải đối thoại ngay chỗ giữ xe nên không tìm được sự đồng thuận", Chủ tịch huyện nói và cho rằng yêu cầu về trụ sở nhằm đảm bảo việc đối thoại diễn ra hiệu quả, có người nói, người nghe và ghi nhận.
Người dân tụ tập chặn giữ các ôtô. Ảnh: Nam Anh.
Chủ tịch huyện khẳng định, việc giữ ôtô của đoàn khảo sát là trái pháp luật, nhưng trước mắt nhà chức trách chỉ vận động người dân trả xe. "Chiều nay tôi đã chỉ đạo cho đảng ủy xuống sinh hoạt chi bộ thôn để nói cho người dân việc làm đúng sai", ông Dũng cho biết.
Đầu tháng 6, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam đầu tư dự án Nhà máy điện Mặt trời đầm Trà Ổ.
Theo hồ sơ đăng ký, nhà máy được xây dựng trên diện tích 60 ha mặt nước và 0,6 ha mặt đất, với công suất thiết kế là 50Mwp, tổng vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động vào giữa năm 2019.