Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Việt Nam hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống sa mạc hóa

(22:55:31 PM 17/06/2018)
(Tin Môi Trường) - Chiều 17/6, tại thành phố Lào Cai, Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức lễ hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống sa mạc hóa (17/6) với sự tham dự của đại diện nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đông đảo các sinh viên, thầy cô giáo Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai.

Việt Nam hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống sa mạc hóa

Ảnh: IE

 

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngày 17/6 hằng năm được Liên hiệp quốc chọn làm Ngày quốc tế chống sa mạc hóa. Năm 2018, Tổng thư ký Công ước về chống sa mạc hoá chọn chủ đề “Lựa chọn giá trị đích thực cho đất” để 186 quốc gia thành viên Công ước phát động nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế chống sa mạc hóa. Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ làm đầu mối quốc gia để thực hiện Công ước này. 
 
Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Công ước về chống sa mạc hóa nêu rõ: "Đến năm 2030, chống sa mạc hóa, phục hồi đất và đất bị suy thoái, bao gồm cả đất bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa, hạn hán và lũ lụt, và phấn đấu đạt được một thế giới cân bằng thoái hóa đất". Vì vậy, mục tiêu chống sa mạc hóa đã trở thành động lực thúc đẩy quá trình thực hiện Công ước về chống sa mạc hóa, đồng thời góp phần vào các mục tiêu Phát triển bền vững khác (SDGs), bao gồm các vấn đề liên quan đến giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái, an ninh lương thực và nước, giảm nguy cơ thiên tai và đói nghèo. Suy thoái đất dẫn đến sa mạc hóa đe dọa sinh kế và an sinh của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi các vùng đất khô hạn, ngăn chặn suy thoái đất. 
 
Theo thống kê, năm 2017, Việt Nam đã trồng rừng mới được 235.028 ha (đạt 102,4% kế hoạch), chăm sóc rừng trồng đạt 528.895 ha, khoán bảo vệ rừng đạt 6.119,901 nghìn ha, khoanh nuôi tái sinh đạt 334.899 ha và trồng cây phân tán ước đạt 60.987 triệu cây. Tuy vậy, từ thực tế cho thấy, công tác bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng còn một số tồn tại cần khắc phục như: Diện tích rừng tuy có tăng nhưng chất lượng rừng và đa dạng sinh học rừng tự nhiên nhiều nơi vẫn tiếp tục bị suy giảm, ở một số nơi tình trạng cháy rừng vẫn diễn ra gay gắt; đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với xoá đói giảm nghèo còn hạn chế, thu nhập của người làm nghề rừng còn thấp, chưa ổn định … Do vậy, một yêu cầu cấp bách là Việt Nam cần tiếp tục trồng cây, trồng rừng, phát triển rừng bền vững, góp phần chống suy thoái đất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. 
 
Ngay sau lễ hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống sa mạc hóa, các đại biểu đã cùng tham gia trồng nhiều cây xanh tại khuôn viên Phân hiệu Trường Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai.
Hồng Ninh