Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần giải pháp toàn diện hơn trong ứng phó thiên tai vùng ven sông, ven biển

(16:49:11 PM 16/06/2018)
(Tin Môi Trường) - Từ đầu năm 2018, nhất là từ đầu mùa mưa bão đến nay, tại Sóc Trăng đã xảy ra nhiều trận thiên tai gây thiệt hại nặng ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Cần giải pháp toàn diện hơn trong ứng phó thiên tai vùng ven sông, ven biển

Ảnh:IE

 

Mới đây nhất, ngày 8/6 mưa lớn kèm theo gió lốc mạnh đã làm tốc mái hội trường và một phòng học tại trường tiểu học Tân Thạnh A, ấp Cái Quanh, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Rất may, thời điểm dông lốc các học sinh đã nghỉ hè, không có người ở trường. Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng di dời bàn ghế và các vật dụng của nhà trường đến nơi an toàn. UBND huyện Long Phú đã chỉ đạo nhanh chóng khắc phục sự cố sớm nhất, đồng thời chằng chống các dãy lớp học còn lại có nguy cơ bị tốc mái. 
 
Trước đó, vào trưa 19/5, tại khu vực phường 2, thị xã Vĩnh Châu đã xảy ra mưa dông, gió lốc làm thiệt hại 28 căn nhà, trong đó làm sập hoàn toàn 4 căn nhà, làm tốc mái 24 căn nhà, ước thiệt hại khoảng 340 triệu đồng. Sau đó 3 ngày, sáng 22/5, trên khu vực biên giới biển huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, đã xảy ra sóng to, gió lớn, lốc xoáy làm chìm 8 phương tiện của ngư dân đánh bắt ven biển. 
 
Trong đất liền, tình trạng sạt lở bờ sông cũng xảy ra ở một số điểm ven sông Hậu, trong đó mới nhất là vụ sạt lở tại ấp Phụng An, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) vào rạng sáng 5/6 làm một đoạn tuyến đường nằm cạnh sông Rạch Mọp (ranh giới giữa huyện Kế Sách và Long Phú) có chiều dài gần 30m, sâu 3m, bị sạt lở, có chỗ ăn sâu vào đất liền 8m. Sạt lở đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại của hơn 40 hộ dân sinh sống ở khu vực ven sông Rạch Mọp. Rất may thời điểm xảy ra sạt lở, không có phương tiện và người qua lại, nên không có thiệt hại xảy ra. Tại hiện trường cho thấy, nhiều đoạn đường còn có nguy cơ sạt lở trong thời gian tới, đe dọa đến cuộc sống của người dân. Theo người dân địa phương, trước đó tại khu vực này đã có 3 vụ sạt lở xảy ra vào các năm 2012, 2015, 2016, gây nhiều thiệt hại cho người dân về nhà cửa, đất đai, vườn cây. 
 
Thống kê của Chi cục Phòng chống thiên tai tỉnh Sóc Trăng cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay đã có 59 công trình trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mưa dông, lốc xoáy, sạt lở; trong đó có 12 căn nhà bị đổ, trôi; 41 căn bị sập, tốc mái, 6 phòng học bị tốc mái, 1 người chết, 8 phương tiện tàu thuyền bị hư hỏng và 30 mét bờ đê, bao bị sạt lở, ước tổng thiệt hại trên 420 triệu đồng. 
 
Những năm gần đây, người dân ở nhiều huyện trong tỉnh Sóc Trăng phải chịu ảnh hưởng bởi những bất thường của thiên nhiên với mức độ ngày càng nặng hơn, nhanh hơn và khó lường hơn. Điều này cho thấy tác động của quá trình biến đổi khí hậu đã ngày càng lớn dần và nguy hiểm hơn. Dù người dân và chính quyền các cấp đã có sự chủ động nhằm giảm thiệt hại trước những tác động của thiên tai, nhưng về lâu dài vẫn rất cần một giải pháp toàn diện và cấp thiết hơn cho cư dân vùng ven sông, ven biển để họ được an toàn và yên tâm sản xuất…
Trung Hiếu