(Tin Môi Trường) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, phát biểu, năm nay thời tiết mưa sớm, là cơ hội để nuôi giữ tôm để bán size (cỡ) lớn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị hôm 3.6- Ảnh: Trình Nguyễn
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Cường, tại Hội nghị “Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững” tổ chức tại Bạc Liêu với sự tham gia của đại diện nhiều tỉnh nuôi tôm sú, vào ngày 3.6. Cũng theo ông Cường, người nuôi tôm phải hết sức bình tĩnh, không nên bán tháo tôm size (cỡ) nhỏ mà thiệt giá. Vì cơ hội giữ tôm, như ông nói: là… mưa sớm.
Trong khi đó, người mới nuôi tôm cũng biết, mưa sớm dễ gây dịch bệnh cho tôm. Nhất là tôm mới thả nuôi hơn 1 tháng tuổi, mưa làm loãng độ mặn, gây sốc, dễ chết hàng loạt. Còn tôm size nhỏ loại 80-100 con/kg, gặp những cơn mưa sớm cũng rất dễ bệnh. Người nuôi tôm rất sợ mưa sớm.
Và không cần ông Cường khuyến cáo, người nuôi tôm không ai ngu dại đi bán tôm size nhỏ như cỡ 80-100 con/kg, bởi giữ nuôi lại không lâu sau nữa, doanh thu và đồng lãi sẽ tăng rất nhiều. Nhưng vì sao họ bán tôm size nhỏ? Đơn giản vì tôm bệnh, để lại là mất trắng. Thà bán sớm, gỡ được nhiêu, hay nhiêu.
“Đối với người nuôi tôm, chỉ có trường hợp bất khả kháng do tôm bệnh họ mới bán size nhỏ chịu lỗ thôi, trong lúc tôm bị rớt giá chẳng ai chủ động đi bán tôm khỏe size nhỏ để lỗ chồng lỗ...”, 1 người am tường nghề nuôi tôm, nói vậy.
Giá tôm thẻ chân trắng thời gian qua khá thấp, nhiều nước nuôi tôm cạnh tranh với Việt Nam và kể cả nhiều vùng ở Việt Nam, người nuôi đã ngán ngẫm “treo” vuông, tạm nghỉ nuôi. Bởi vậy, những hội nghị thế này, người nuôi tôm rất quan tâm, để hy vọng các quan chức, ngành chuyên môn… đưa ra dự báo về thị trường sắp tới thế nào, triển vọng xuất khẩu ra sao.
Tiếc rằng, theo 1 giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu tôm có cỡ, tham dự hội nghị này, nói rằng thông tin thị trường hầu như khá mông lung, và nếu có cũng rất khó tin. Như 1 sếp doanh nghiệp xuất khẩu thông tin rằng, tháng 6 này tôm cỡ lớn sẽ tăng giá 10%, và sắp tới sẽ tăng 30%.
Nông dân vội mừng, không ngờ, sau hội nghị, 1 chủ doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã có thông tin “đính chính”: ông này chỉ nói đến tôm size lớn, không nói đến tất cả kích cỡ. Trong khi nói đến giá tôm, dân ngành tôm Việt Nam hay lấy mốc tôm 70 con/kg làm chuẩn. Và giá tôm vài tháng tới, nhìn chung vẫn chưa có chiều hướng lạc quan.
Cuối năm 2017, Bộ trưởng Cường cũng có phát biểu gây sốc, khi “tính rợ”: “Trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng 5 - 7% mỗi năm. Chúng ta lựa chọn 2 con điển hình là tôm và cá tra. Riêng tôm, thế giới có 7 tỉ người, mỗi người ăn một cân tôm là 7 triệu tấn. Trong khi nguồn cung mới có 5 triệu tấn, rõ ràng chỗ này còn rất lớn”.
Cách tính của ông Cường, nông dân hay gọi là tính “rợ”. Tức cứ tính nhẩm sơ như vậy, không cần tính đến các yếu tố chi phối bên ngoài. Đơn giản, tạm cho tiêu chí mỗi người ăn 1 cân tôm/năm của ông là chấp nhận được, nhưng căn cứ nào nói rằng, nếu họ ăn thiếu thì phải mua tôm của Việt Nam? Trong khi Ấn Độ, Bangladesh, Ecuador, Thái Lan… vẫn là những đối thủ cạnh tranh.
Người dân tin vào quan chức, lắng nghe từng lời phát biểu, khấp khởi hy vọng… Thế mà.