(Tin Môi Trường) - Ngày 5/6 /2018, Cảnh sát môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành tịch thu 72 tiêu bản rùa biển quý hiếm đang được trưng bày tại một cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở thành phố Vũng Tàu.
Đây là những loại rùa biển nguy cấp và quý hiếm tại Việt Nam
Theo khai nhận của chủ cửa hàng, những tiêu bản này đã được thu gom và trưng bày từ năm 1989. Trước đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã nhận được thông tin từ một TNV về việc một cửa hàng ở địa phương đang tàng trữ, trưng bày nhiều tiêu bản rùa trên tường, cầu thang và xung quanh cửa hàng. Nhận định vụ việc liên quan đến số lượng lớn tiêu bản của các loài rùa biển quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng, ENV đã nhanh chóng làm việc cơ quan chức năng địa phương để xử lý và tịch thu tang vật. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi săn, bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ sản phẩm/bộ phận của chúng (bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật) sẽ bị xử lý hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù giam.
Trong tháng 5 vừa qua, theo ghi nhận của ENV, 04 cá thể rùa biển bị nuôi nhốt làm cảnh ở các nhà hàng ở Vũng Tàu và Kiên Giang cũng đã được giải cứu và thả lại về vùng biển địa phương. Bên cạnh đó, 11 trường hợp quảng cáo trên Internet các tiêu bản hay sản phẩm, bộ phận từ rùa biển cũng đã được xử lý.
Trên thực tế, việc nuôi nhốt hay sử dụng tiêu bản động vật hoang dã (ĐVHD) để trang trí, làm cảnh vô tình kích thích tình trạng săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, quảng cáo trái phép các loài này, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học cũng như những nỗ lực của các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ ĐVHD.
Có thể thấy, mặc dù tất cả 5 loài rùa biển của Việt Nam đều được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, nhưng những loài này hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn buôn bán và săn bắt trái phép. Do vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như đưa ra xét xử các đối tượng tàng trữ, buôn bán, vận chuyển rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển là một trong những biện pháp hiệu quả để răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Trước đó ngày 30/5, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã tuyên phạt Hoàng Tuấn Hải bốn năm sáu tháng tù giam vì hành vi thu gom, chế tác và buôn bán trái phép hơn 10 tấn rùa biển được các cơ quan chức năng phát hiện vào cuối năm 2014 - vụ án được cho là có số lượng rùa biển bị thu giữ lớn nhất trên thế giới. Đây được đánh giá là mức phạt tù dài nhất liên quan đến các vi phạm về rùa biển ở Việt Nam tính đến bây giờ, góp phần gia tăng niềm tin vào tính nghiêm minh của pháp luật.
Hi vọng rằng, với những thành công trong việc xử lý các trường hợp vi phạm, tịch thu tang vật cũng như xét xử nghiêm các đối tượng phạm tội về rùa biển, quần thể rùa biển của Việt Nam sẽ được bảo vệ và hồi phục trong tự nhiên.
Thông báo các hành vi cất giữ, trưng bày tiêu bản ĐVHD hay nuôi nhốt ĐVHD trái phép tới đường dây nóng 1800-1522 là cách mà bất kì ai cũng có thể làm để góp phần bảo vệ rùa biển nói riêng và các loài ĐVHD nói chung.
22 cá thể ĐVHD được giải cứu trong tháng 5/2018, theo ghi nhận của ENV:
12 cá thể khỉ, 4 cá thể rùa biển, 1 cá thể gấu, 2 cá thể vooc, 2 cá thể gà lôi trắng, 1 cá thể cu li cùng nhiều cá thể rắn ráo thường.
Bên cạnh đó, 82 trường hợp quảng cáo các sản phẩm từ ĐVHD trong thực đơn, treo biển hiệu quảng cáo ngoài trời và rao bán trái phép trên Facebook đã bị xử lý.