Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Mobiistar "chở củi về rừng" khi bán smartphone ở Ấn Độ?

(21:27:49 PM 01/06/2018)
(Tin Môi Trường) - Hãng điện thoại thương hiệu Việt Nam Mobiistar vừa phát đi thông báo bắt đầu bán hàng trên Flipkart, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở Ấn Độ.

Đây được xem là một tin khá bất ngờ với giới truyền thông, vì so với Bphone của BKAV, Mobiistar luôn khiêm tốn với các đợt sản phẩm ra mắt và rất kín tiếng với các thương vụ xuất khẩu sang nước ngoài. Nhưng với giới quan sát, thương vụ này đã được Mobiistar chuẩn bị từ khá sớm và mang ý nghĩa sống còn. 

 

Mobiistar "chở củi về rừng" khi bán smartphone ở Ấn Độ?
 
Áp lực từ smartphone Trung Quốc
 
Tiền thân của Mobiistar là Công ty P&T Mobile, nhà phân phối của 3 hãng điện thoại Sony Ericsson, Motorola và HTC. Năm 2012, Mobiistar bắt đầu tham gia kinh doanh mảng smartphone với mẫu điện thoại đầu tiên có giá khoảng 2,7 triệu đồng.
 
Đây cũng là thời điểm công ty chủ quản cùng tên ra đời thay thế cho P&T Mobile. Theo ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc Điều hành Công ty, đó là để cơ cấu lại mô hình hoạt động từ một công ty phân phối sang công ty quản lý thương hiệu và tiếp thị sản phẩm. Các doanh nghiệp thương hiệu Việt một thời với Mobiistar như Q-Mobile, HKPhone đều từ bỏ cuộc chơi sau các đợt gia nhập thị trường của các hãng smartphone Trung Quốc.
 
Gần đây có thêm sự gia nhập khá đình đám của Asanzo và BKAV nhưng điều này không giúp cho các thương hiệu nội tranh thủ thêm thị phần mà ngược lại. Báo cáo quý I/2018 của IDC Indochina, nhóm thương hiệu nội địa chỉ còn chiếm khoảng 3% trong tổng số 3,8 triệu smartphone đưa ra thị trường, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Nguyên nhân sụt giảm được cho là do các đợt hàng đánh vào phân khúc phổ thông của Huawei và Xiaomi trong thời gian qua. Làn sóng smartphone Trung Quốc giá cạnh tranh vẫn chưa dừng lại, khi mới đây ông Lei Jun, Tổng Giám đốc Xiaomi, khẳng định lợi nhuận mảng phần cứng bao gồm điện thoại, các thiết bị IoT sẽ có tổng lợi nhuận sau thuế không quá 5%. “Chúng tôi sẽ mở ra một cuộc cạnh tranh mới ở thị trường Việt Nam. Đó là cuộc canh tranh về sản phẩm cấu hình cao với giá tốt”, ông Lei Jun nói.
 
Do đó, dù đang chiếm gần một nửa thị phần smartphone nội địa nhưng vị trí này không có gì là chắc chắn với Mobiistar trong tương lai. Vì thế, xuất khẩu được xem là giải pháp phù hợp. 
 
Vậy vì sao là thị trường Ấn Độ? Đơn giản là vì các nước ở Đông Nam Á đều rơi vào tình trạng tương tự như Việt Nam. Các hãng như Samsung, Huawei, Oppo, Xiaomi... đã chiếm gần trọn miếng bánh thị phần trong khi tốc độ tăng trưởng smartphone đã không còn hấp dẫn như trước kia, dao động trong khoảng từ 5-9%. Ấn Độ thì ngược lại. Tốc độ tăng trưởng smartphone của nước này được đánh giá là nhanh nhất trong top 20 thị trường smartphone lớn trên toàn cầu.
 
Mạo hiểm tìm cơ hội
 
Trong thông cáo báo chí phát đi, Mobiistar cho biết sẽ ra mắt 2 sản phẩm chuyên dùng để selfie ở phân khúc dưới 3 triệu đồng là XQ Dual (giá khoảng 2,7 triệu đồng) và CQ (khoảng 1,7 triệu đồng). Cả 2 sản phẩm sẽ được bán độc quyền tại website Flipkart từ 12h ngày 30.5. Công ty cũng cho biết hợp tác với đối tác mở rộng mạng lưới bảo hành lên con số 1.000 ở Ấn Độ.
 
Về phần mình, ông Ayyappan Rajagopal, Giám đốc Cao cấp phụ trách mảng di động của Flipkart, cho biết Flipkart xác nhận quan hệ hợp tác với Mobiistar có ý nghĩa dài hạn, các sản phẩm được chọn lần này là do có sức hút nhất định ở thị trường Việt Nam trong thời gian qua.
 
 

Mobiistar "chở củi về rừng" khi bán smartphone ở Ấn Độ?

 
Báo cáo gần đây của IDC India cho biết năm 2017 tổng cộng có 124 triệu chiếc smartphone được bán tại Ấn Độ, đạt tốc độ tăng trưởng 14%. Đây là con số đáng mơ ước trong bối cảnh thị trường Trung Quốc bắt đầu sụt giảm và Mỹ thì đang đi ngang.
 
Gần như mọi doanh nghiệp smartphone lớn trên thế giới đều đổ về Ấn Độ. Kết thúc năm 2017, Samsung dẫn đầu thị trường với 24,7% thị phần. Kế đến là các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi (20,9%), Vivo (9,4%), Lenovo (7,8%) và Oppo (7,5%).
 
Thương hiệu điện thoại nội địa có thị phần lớn nhất của Ấn Độ là Reliance Jio. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ khai thác mảng điện thoại phổ thông. IDC India cho rằng sự yếu kém của các thương hiệu nội địa trong lĩnh vực smartphone là một trong những nguyên nhân khiến smartphone Trung Quốc trỗi dậy. Tính chung, các hãng điện thoại Trung Quốc đã chiếm hơn 50% thị phần ở Ấn Độ, tăng gần gấp đôi so với cách đây 1 năm. 
 
Theo IDC India, mặc dù cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt, nhưng các dòng smartphone giá rẻ vẫn thu hút những nhà cung cấp thiết bị vì phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người tiêu dùng ở Ấn Độ. Thị trường vẫn còn cơ hội cho các sản phẩm giá cạnh tranh, nhiều chức năng cải tiến sáng tạo như Reliance Jio đã từng thành công với các dòng sản phẩm điện thoại phổ thông kết nối 4G chẳng hạn. 
 
Đó là lý do vì sao tăng trưởng smartphone ở Ấn Độ vẫn được IDC India kỳ vọng ở mức 2 con số trong các năm tiếp theo. Vì thế, dù cạnh tranh khá cao nhưng với dân số đông, tốc độ tăng trưởng 2 con số của Ấn Độ vẫn màu mỡ hơn so với Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Mobiistar không thể bỏ qua cơ hội này. “Bằng kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đối tác chọn đối tác công nghệ, chọn phân khúc thị trường, hướng tiếp cận phù hợp”, ông Kha của Mobiistar nói.
(Theo Nhịp cầu đầu tư)