(Tin Môi Trường) - Rác tạo thành núi, thành cồn ở bờ biển. Rác làm chết cây, phủ trắng cả kilomet rừng ngập mặn. Rác đe doạ kế sinh nhai. Và rác đang gây ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng nhiều vùng ven biển ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Một phụ nữ mưu sinh trên bãi rác ở bờ biển xã Minh Lộc - Ảnh: QUANG THẾ
12h trưa, con đường đê biển nối xã Minh Lộc về xã Đa Lộc bốc mùi hôi thối nồng nặc từ những bãi rác lộ thiên, nước thải từ các cơ sở chế biến hải sản.
Ở phía xa, con nước đang lên sóng lại mang theo rác ngoài khơi ập vào đất liền.
Rác, khắp nơi ngập ngụa rác.
Người dân sống lâu năm ở cả 3 xã ven biển Đa Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc cho biết khoảng 5 năm trở lại đây môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều bờ cát trắng xưa kia biến thành... cồn rác.
Mặt trời đứng bóng, nắng rát. Bà Lê Thị Mai (50 tuổi, thôn Minh Hợp, xã Minh Lộc) bước nhanh ra bãi biển trước nhà phơi mấy bao tải đầu tôm. Cách đó vài bước chân là những cồn rác, xác động vật chết rữa đang bốc mùi.
Tanh nồng khủng khiếp.
Tại ba xã ven biển này, hiện nay không chỉ rác thủy triều đánh từ ngoài biển vào, mà có cả bãi rác thải sinh hoạt nằm ngoài đê biển từ nhiều năm nay.
Mỗi khi con nước lên cũng đưa phần rác này ra biển, rồi lại đánh vào bờ. Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các cơ sở chế biến hải sản cũng xả trực tiếp ra biển... Ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân.
Bà Đỗ Thị Chi (55 tuổi, thôn Đông Hải, xã Đa Lộc) cho biết cá còi (một loài đặc hữu ở vùng này) những năm trước là nguồn thu hải sản gần bờ xuất đi nước ngoài, nhưng vài năm gần đây sản lượng giảm nhiều.
"Không chỉ cá còi mà ngao nuôi ngoài bãi cũng chết, dân nuôi ngao bị thua lỗ" - bà Chi nói.
Ông Vũ Văn Đồng (45 tuổi, thôn Đông Hải) cho biết năm nay, riêng gia đình ông cũng bị thiệt hại cả trăm triệu đồng do ngao chết.
"Nếu chính quyền không xử lý dứt điểm vấn đề rác thải thì người nuôi hải sản ở biển sẽ không biết làm nghề gì để sống" - ông Đồng nói.
Những hình ảnh ghi nhận trong những ngày cuối tháng 5 ở các xã Đa Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Phơi đầu tôm trên bãi rác - Ảnh: QUANG THẾ
Tàu đánh cá phải đậu cạnh bãi rác - Ảnh: QUANG THẾ
Rác phủ trắng rừng ngập mặn ở xã Đa Lộc - Ảnh: QUANG THẾ
Rác ngập cả tận ngọn cây rừng ngập mặn. Một người dân mưu sinh trong rừng rác - Ảnh: QUANG THẾ
Cây rừng ngập mặn chết vì rác - Ảnh: QUANG THẾ
Nước thải đang xả trực tiếp ra môi trường biển ở huyện Hậu Lộc - Ảnh: QUANG THẾ
Bãi rác dân sinh ở bãi biển xã Ngư Lộc - Ảnh: QUANG THẾ
Đường đi của rác: rác từ biển dạt vào và rác theo cống thải từ khu dân cư đổ ra ở đê biển xã Đa Lộc
Rác ở khắp mọi nơi - Ảnh: QUANG THẾ
Con người thải rác và giờ phải lặn ngụp kiếm ăn trong rác - Ảnh: QUANG THẾ
Giải pháp tạm thời để xử lý rác thải là... đốt! - Ảnh: QUANG THẾ
Ông Vũ Văn Đồng (45 tuổi, thôn Đông Hải) cho biết ngao nuôi 3 năm mới cho thu hoạch, có gia đình làm ăn lớn đầu tư cả tỉ nhưng nguồn nước ô nhiễm khiến ngao chết gần hết, số ngao còn sống sót thì lớn cũng không nổi. Năm nay riêng gia đình ông cũng bị thiệt hại cả trăm triệu do ngao chết - Ảnh: QUANG THẾ
Người dân ở xã Đa Lộc ngoài làm ruộng thì đi đánh bắt và nuôi hải sản nhưng mấy năm nay nhiều hộ gia đình đầu tư không được thu mà còn chịu lỗ nên có người đã đi làm ăn xa, không bám biển như trước - Ảnh: QUANG THẾ
Mưu sinh trên bãi biển xã Đa Lộc. Không biết con nghêu, con sò vùng biển đầy rác này sẽ ra sao… - Ảnh: QUANG THẾ
Môi trường các xã ven biển hiện nay khá ổn. Ở xã Đa Lộc, xã Minh Lộc không có bãi rác đâu
Ông NGUYỄN VĂN LONG (phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc)
"Rác từ biển trôi vào đất liền là có, nhưng người dân cũng mang rác đổ thẳng ra biển. Mỗi khẩu phải đóng 10.000 đồng/tháng để xử lý rác thải, xe rác thì có thời gian nửa tháng mới đi gom.
Đất đai chật chội, người dân phải tìm ra biển vứt, chứ biết đổ đi đâu được" - ông Mai Cát Vọng - trưởng ban quản lý chợ Minh Lộc - bức xúc.
Còn ông Nguyễn Văn Long - phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) - lại cho rằng: "Môi trường các xã ven biển hiện nay khá ổn(!). Ở xã Đa Lộc, xã Minh Lộc không có bãi rác đâu. Tuy nhiên, có tình trạng thời gian qua có ngày xe tập kết rác nhưng chở không kịp thời và rác thải ở biển do sóng thủy triều đánh vào".
Ông nói thêm: "Đây là vấn đề của cả tỉnh, nhưng huyện cũng đã chỉ đạo giải quyết. Sắp tới, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh sẽ chọn Hậu Lộc làm điểm ra quân Ngày môi trường thế giới (5-6)".
Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Thanh Hóa Đào Trọng Quy cho biết trước tình trạng ô nhiễm ở các xã ven biển huyện Hậu Lộc, ông "đang chỉ đạo xử lý".
Trước đây bãi cát trắng phau, tuy biển đục do ở cuối con nước nhưng trẻ con, người lớn vẫn tắm, rồi bọn trẻ còn nô đùa chạy ra tận bãi nuôi ngao chơi. Từ năm 2005 trở lại đây thì không ai tắm được nữa. Đói có thể được, chứ bãi rác như thế này thì không thể chịu nổi...- Bà LÊ THỊ MAI