(Tin Môi Trường) - Ngày 31/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động năm 2017 và thống nhất nội dung triển khai hoạt động năm 2018 của Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh hoạ: IE
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng đây là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách làm hay của các tôn giáo trên cả nước tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc ở một số địa phương có cuộc vận động các khu dân cư hình thành tổ tự quản về môi trường để xử lý rác thải, nước thải. Đây là việc làm có ý nghĩa, kêu gọi cả xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Sau 3 năm triển khai Chương trình phối hợp, đã có 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước ký kết chương trình hoặc kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, ngành Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo ở địa phương. Đến nay, cả nước đã xây dựng được 322 mô hình điểm các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tôn giáo đã triển khai, đưa nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hàng năm của mình.
Ông Knut Christiansen, Giám đốc Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA) cho rằng, việc các tổ chức tôn giáo cùng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Nhiều năm qua, NCA Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Knut Christiansen khẳng định: Chúng ta đã có kiến thức về lĩnh vực này nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi triển khai có nhiều thách thức vì đây là lĩnh vực mới, người dân ở cộng đồng dân cư chưa nắm hết. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp trong công tác cứu trợ khẩn cấp chưa cao, vai trò điều phối viên ở các địa phương chưa được tăng cường… Năm 2018, NCA Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ khắc phục tình trạng này nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đưa nội dung Chương trình phối hợp vào chương trình hoạt động Phật sự hàng năm ở Trung ương và hoạt động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các địa phương. Bên cạnh đó, lồng ghép phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường hạ, khóa tu, buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa của tăng ni sinh tại trường đào tạo Phật học; đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết giảng trong quần chúng nhân dân, phật tử về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hội Thánh Tin lành triển khai Chương trình phối hợp đến từng Chi hội Tin lành, đồng thời vận động tín hữu tích cực tham gia thực hiện chương trình, giữ cảnh quan khuôn viên nhà thờ luôn xanh, sạch, đẹp. Ban đại diện Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện chương trình phối hợp như: Xây dựng các bể chứa nước mưa với tổng trị giá 100.000 USD tại Bến Tre, Long An, Vĩnh Long; tham gia cứu trợ khẩn cấp do hạn hán tại Quảng Ngãi với số tiền 30.000 USD...
Đại diện một số mô hình điểm đã chia sẻ kết quả hoạt động trong năm 2017, từ đó rút ra bài học để tiếp tục có những định hướng và chiến lược trong thời gian tới. Các đại biểu đã đề xuất nhiều ý tưởng với những hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm căn cứ xây dựng nội dung của Ban Chỉ đạo trong năm 2018, hướng tới Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam công nhận 41 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo, với hơn 25 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số); hơn 80 nghìn chức sắc, nhà tu hành và gần 26.000 cơ sở thờ tự, sinh hoạt tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo đóng góp nguồn lực tài chính và nhân lực đáng kể cho hoạt động xã hội từ thiện. Sự tham gia của các tổ chức tôn giáo ngày càng tích cực hơn trong hoạt động xã hội từ thiện và cứu trợ thiên tai (lĩnh vực tham gia truyền thống), tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (lĩnh vực tham gia mới).
Trong báo cáo khảo sát 21/41 tổ chức tôn giáo về đánh giá năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường của 14 tôn giáo tại Việt Nam, khi được hỏi về kiến thức, thái độ và thực hành của các tín đồ tôn giáo, hầu hết những người được khảo sát đều nghe nói về biến đổi khí hậu, 90% số người được hỏi đánh giá bản thân họ là hiểu biết rõ và rõ phần nào về biến đổi khí hậu. Nhiều người coi biến đổi khí hậu gây ra bởi hoạt động con người hơn là do tự nhiên, biến đổi khí hậu để lại hậu quả lâu dài đến tương lai hơn là chỉ ảnh hưởng đến hiện tại. Gần 80% số người được hỏi đã tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…