Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Gia Lai: Cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan đầu mùa mưa

(18:00:43 PM 29/05/2018)
(Tin Môi Trường) - Ngày 29/5, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Vũ Tuấn, Trưởng phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, hiện Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, người dân trên địa bàn cần hết sức cảnh giác bởi các cơn mưa thường kéo theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, sấm sét và gió giật mạnh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Gia Lai: Cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan đầu mùa mưa

Ảnh: IE
 
Cụ thể, chiều 27/5, trong lúc đi chăn dê, ông Nay Duen (sinh năm 1958) và cháu là Ksor Tơn (sinh năm 2006), cùng trú tại làng Ơi Briu 2, xã Chư Mố, huyện Ia Pa (Gia Lai) đã bị sét đánh. Sau khi phát hiện sự việc, người dân trong làng đã nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng tiến hành cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, khi đến hiện trường, cháu Ksor Tơn đã tử vong, còn ông Nay Duen cũng không qua khỏi sau khi được đưa về nhà để cấp cứu. 
 
Trước đó, chiều 22/5, tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, cũng đã xảy ra mưa lớn kèm theo lốc xoáy, làm 245 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều loại cây ăn quả, cao su, cây xanh… dọc một số tuyến đường nội thị bị ngã đổ. Lốc xoáy cũng đã làm hư hỏng 1 nhà thủy tạ, hệ thống điện và nhiều công trình khác... Đặc biệt, lốc xoáy đã làm ngã đổ hoàn toàn 500 m2 nhà kính trồng hồ tiêu giống theo phương pháp nuôi cấy mô cùng 2.000 m2 nhà lưới ươm giống cà phê của một doanh nghiệp tư nhân, làm thiệt hại 4.000 cây hồ tiêu giống nuôi cấy mô và nhiều loại cây trồng có giá trị khác. Ước tính thiệt hại từ cơn lốc lên đến gần 4 tỷ đồng. Hiện các cơ quan chức năng huyện Đức Cơ đang khẩn trương khắc phục hậu quả cơn lốc. 
 
Theo ông Phạm Vũ Tuấn, nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan là do chuyển từ mùa lạnh sang mùa nóng hoặc ngược lại. Đối với mưa đá, thường xảy ra vào các tháng chuyển mùa như tháng 4, 5, 6 và 9, 10, 11, tại các vùng núi cao như khu vực Tây Nguyên. Trong khi đó, lốc tố là một hiện tượng tốc độ gió tăng và hướng thay đổi đột ngột, rất khó để dự báo cũng như phòng tránh. 
 
“Khi thấy mưa giông và sấm sét, bà con đi làm trên đồng ruộng cần nhanh chóng bỏ các dụng cụ bằng kim loại, rồi tìm nơi có địa hình thấp để ẩn nấp, không trú dưới những tán cây và không được đứng chụm vào nhau. Nếu đang ở trong nhà thì không đứng gần cửa sổ hoặc cửa chính và tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động. Đặc biệt, khi có hiện tượng tóc dựng đứng là có khả năng bị sét đánh, cần lập tức ngồi xuống, hai tay bịt tai, đồng thời nhón gót chân lên, tiếp xúc ít nhất với mặt đất”, ông Tuấn khuyến cáo.
TTXVN