(Tin Môi Trường) - Chiều 25/5, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm hưởng ứng Ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam (22/5/1946 – 22/5/2018) với chủ đề “Giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.
Ảnh TL: tinmoitruong
Ninh Thuận là một trong những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển đã xảy ra; các cơn bão, các đợt áp thấp nhiệt đới thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng đến đường sá, nhà cửa, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là người dân 3 huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam.
Đặc biệt, trong hai năm 2015 - 2016 và những tháng đầu năm 2018, Ninh Thuận đã trải qua đợt hạn hán khốc liệt nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân; 31/47 xã đã chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai hạn hán, với 41.907 khẩu cần phải hỗ trợ gạo, cấp nước sinh hoạt hàng ngày. Số gia súc có sừng chết là trên 1.300 con, 501 ha cây trồng bị thiệt hại 100%, gần 16.500 ha đất phải dừng sản xuất do thiếu nước.
Thiên tai tác động cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra các kiến nghị về giải pháp chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai; trong đó chú trọng việc nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các nhà trường, cơ sở giáo dục và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho rằng, tọa đàm là hoạt động bổ ích, thiết thực không chỉ với học sinh mà còn có ý nghĩa với toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức về thiên tai cho cán bộ, giáo viên, học sinh; tạo sự lan tỏa cho cộng đồng và toàn xã hội để cùng chung tay vào bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, cũng như có thêm các thông tin để chủ động đưa ra các giải pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai.
Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam, thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục có lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó lấy trẻ em làm trung tâm; triển khai trường học an toàn cho các cấp học; đảm bảo trẻ em trong độ tuổi đến trường ở các vùng khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu đều được đi học.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai đại trà phần mềm online phòng chống thiên tai của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng, thực hiện hiệu quả các kế hoạch chuẩn bị ứng phó với thiên tai, đảm bảo việc học tập của học sinh không bị gián đoạn khi thiên tai xảy ra, giảm thiểu các thiệt hại của thiên tai đối với các cơ sở giáo dục.
Ninh Thuận ưu tiên triển khai và hoàn thành đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, đảm bảo nhu cầu học tập cho con em các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt ưu tiên cho các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Các điểm trường được kiên cố hóa sẽ được sử dụng làm nơi sơ tán dân trong các đợt thiên tai xảy ra như bão, lũ. Các phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục cần có kế hoạch xây dựng phương án bảo vệ trường, lớp khi thiên tai xảy ra; chủ động đề xuất việc cho học sinh nghỉ học đối với từng vùng trên địa bàn tỉnh khi có mưa, lũ lớn và các loại thiên tai khác.
Nhiều đại biểu dự tọa đàm thống nhất với quan điểm, các em học sinh cần chủ động tìm hiểu, nhận thức đúng về thiên tai và những ảnh hưởng của thiên tai. Đồng thời, các em cần tăng cường tuyên truyền cho mọi người, nhất là những thành viên trong gia đình về tác hại của thiên tai, có ý thức bảo vệ môi trường; tuyên truyền cho người thân thay đổi tập quán sản xuất, canh tác phù hợp với biến đổi khí hậu; tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với thiên tai.