(Tin Môi Trường) - Dự báo sau năm 2020, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Long An là 1.100 tấn/ngày, sau năm 2025 là 1.300 tấn/ngày. Trong khi lượng rác thải ngày càng tăng, “đầu ra” ngày càng khó khăn sẽ tạo áp lực rất lớn đối với tỉnh Long An. Do đó, cần có những giải pháp mang tính bền vững, lâu dài để giải quyết bài toán này.
Ảnh: IE
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường Long An, hiện nay mỗi ngày toàn tỉnh thu gom khoảng 550 tấn rác thải sinh hoạt. Trong số đó, một phần rác thải đưa về xử lý tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc được đốt, chôn lấp tạm tại các địa phương, phần lớn được đưa về xử lý tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa, Long An).
Có thời điểm (5/2017), Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (Thành phố Hồ Chí Minh) không tiếp nhận rác thải từ huyện Đức Hòa, do đó rác thải được vận chuyển về nhà máy Tâm Sinh Nghĩa khiến nhà máy này phải tiếp nhận khối lượng hơn 400 tấn mỗi ngày, trong lúc công suất xử lý chỉ đạt tối đa 250 tấn/ngày. Điều này khiến nhà máy quá tải, lượng rác tồn đọng ngày càng tăng, có thời điểm lên đến 20.000 tấn, bốc hùi hôi thối, nước thải tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Do đó, Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa dừng tiếp nhận rác từ huyện Đức Hòa khiến nhiều ngày liền, rác sinh hoạt trên địa bàn huyện bị tồn ứ dọc các tuyến đường, cổng khu công nghiệp, chợ…, gây ô nhiễm môi trường. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Long An buộc phải “cầu cứu” đến Thành phố Hồ Chí Minh xin giúp đỡ tiếp nhận, xử lý rác của huyện Đức Hòa.
Đề nghị này đã được chấp nhận, lượng rác thải sinh hoạt khoảng 150 tấn/ngày của huyện Đức Hòa được đưa đến xử lý tại nhà máy của Công ty cổ phần Vietstar. Tuy nhiên, khi lượng rác thải sinh hoạt của tỉnh Long An ngày càng tăng lên, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang chịu áp lực nặng nề do rác thải thì đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Theo quy hoạch địa điểm xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, dự báo trong thời gian tới, lượng rác thải trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng do quá trình phát triển, đến sau năm 2020 khối lượng rác sinh hoạt phát sinh khoảng 1.100 tấn/ngày và đến sau năm 2025 là 1.300 tấn/ngày. Để xử lý được khối lượng rác khổng lồ này, cần có những giải pháp mang tính lâu dài.
Bên cạnh đó, việc thu gom rác thải hiện nay chưa triệt để, nhiều nơi rác thải sinh hoạt còn để tràn lan. Ý thức tự giác và trách nhiệm của người dân chưa cao, tình trạng vứt, đổ rác thải không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt trên một số tuyến đường giao thông.
Trên tuyến đường dẫn vào khu công nghiệp Tân Đức và khu công nghiệp Hải Sơn (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) rác thải để tràn lan trên dải phân cách. Rác thải là những thứ phát sinh trong quá trình buôn bán như xơ dừa, xác mía… đến rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân khiến tuyến đường trở nên nhếch nhác, ô nhiễm.
Chị Liễu, chủ quán nước trên tuyến đường này cho biết: Các hộ dân ở đây đều đóng tiền thu gom rác hàng tháng. Trước đây xe chở rác đi thu gom hàng ngày, nhưng gần đây, nhiều khi mấy ngày mới đi thu gom một lần nên rác bị tồn ứ lại. Một số loại rác như xác mía, xơ dừa… không thu gom, người dân phải nhờ các cơ sở gia công xơ dừa, nuôi dế… đến lấy về sử dụng hoặc tự đem đi đốt.
Đồng thời, vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải hiện gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Mức giá dịch vụ thu từ các hộ dân, tổ chức hiện nay rất thấp và không được thu đủ, trong khi đơn giá xử lý rác tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa là 400 nghìn đồng/tấn, các nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 21 USD/ tấn, cộng thêm chi phí thu gom, xử lý sẽ tăng lên rất cao, ngân sách địa phương đang phải chịu thêm gánh nặng do việc cấp bù chi phí chênh lệch trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn. Theo số liệu thống kê năm 2017, tỷ lệ thu phí vệ sinh từ các hộ dân và tổ chức chỉ đạt 28%, thu được 18,2 tỷ đồng, trong khi số phải thu gần 65 tỷ đồng, dẫn đến nguồn thu không đủ bù chi.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ cho biết: Hiện nay, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn khoảng 1,2 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, việc thu từ người dân và doanh nghiệp không đủ chi phí, ngân sách địa phương phải bù trên 300 nghìn đồng/tấn. Đơn vị thu gom, vận chuyển ký hợp đồng với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và tiến hành thu gom mỗi ngày, nếu để xảy ra tình trạng không thu gom thì sẽ có ý kiến yêu cầu không để xảy ra tình trạng rác tồn ứ trên các tuyến đường.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan xác định lại giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế; xác định các đối tượng cụ thể, với các mức giá dịch vụ cụ thể, bảo đảm yêu cầu công bằng xã hội, thu đúng, thu đủ, tránh sự thắc mắc trong dân. Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan xây dựng phương án giá dịch vụ về rác phù hợp. Trong đó, xác định lộ trình thực hiện bảng giá dịch vụ về rác, theo hướng về lâu dài ngân sách giảm chi hỗ trợ cấp bù tiền dịch vụ về thu gom, vận chuyển và xử lý rác trong dân.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Long An cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu xây dựng giá dịch vụ về rác thải trên địa bàn tăng khoảng 50% so với trước, áp dụng từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, với việc tăng giá đó vẫn chưa đủ, ngân sách vẫn phải cấp bù. Theo lộ trình được xây dựng đến năm 2021, ngân sách không còn cấp bù cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong dân.
Về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, định hướng lâu dài của tỉnh Long An là đưa toàn bộ rác thải về xử lý tại Khu công nghệ môi trường xanh (huyện Thủ Thừa) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, dự án này chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành.
Trước tình hình đó, để tháo gỡ những khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam để xúc tiến ngay việc đầu tư xây dựng lò đốt rác 250 tấn/ngày nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về xử lý rác tại địa phương. Việc đầu tư xây dựng lò đốt rác 250 tấn/ngày nêu trên, cùng với hệ thống lò đốt rác hiện tại (Vĩnh Hưng, Kiến Tường…) và công suất xử lý rác của nhà máy Tâm Sinh Nghĩa cơ bản đáp ứng được việc xử lý rác thải trên địa bàn. UBND tỉnh Long An cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu chiến lược đầu tư xây dựng các lò đốt rác trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, với giá xử lý rác phù hợp, cự ly vận chuyển thích hợp, báo cáo UBND tỉnh Long An xem xét, quyết định...