(Tin Môi Trường) - Trong khuôn khổ dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom phân loại, tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” được thực hiện tại thành phố Đà Nẵng do USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) tài trợ, ngày 23/5, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường Đà Nẵng, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Quản lý rác thải đô thị bền vững: Phân loại, thu gom và tái sử dụng dựa vào cộng đồng”.
Rác thải tại âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết: Rác thải nhựa đã trở thành vấn đề thách thức với toàn thế giới. Năm 2015, lượng rác thải nhựa đổ ra biển khoảng 8 triệu tấn/ngày, dự kiến đến năm 2025 sẽ lên đến 250 triệu tấn nếu tiếp tục tình trạng xả rác như hiện nay; trong đó, 80% lượng rác này đến từ đất liền, các loại rác không được thu gom. Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất ra biển và đây đang là vấn đề nóng ở nước ta. Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, tìm ra giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức trong quản lý rác thải đô thị một cách bền vững và tăng cường hiệu quả quản lý rác thải dựa vào cộng đồng.
Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Đà Nẵng cho biết: Dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom phân loại, tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” được thực hiện tại thành phố Đà Nẵng từ năm 2017 đến nay, bước đầu đã đạt kết quả tích cực trong tuyên truyền, vận động về xử lý rác thải. Thành phố đã triển khai phân loại rác thải thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động để người dân tự phân thành 2 loại rác: Rác tài nguyên và rác chôn lấp để tái sử dụng, nhằm giảm thiểu lượng rác thải đưa ra môi trường.
Ông Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chia sẻ về những thuận lợi, bất cập về chủ trương, chính sách liên quan tới phân loại, thu gom, tái sử dụng rác thải đô thị và các chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn.
Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Đà Nẵng giới thiệu về mô hình phân loại, thu gom rác dựa vào cộng đồng của Hội đã đem lại hiệu quả tích cực. Bằng các việc làm cụ thể, thiết thực như, thu gom phân loại rác hàng ngày, định kỳ hàng tuần, hoặc một tháng 2 lần, hội viên phụ nữ gom các loại rác tái sử dụng được đem đi bán để gây quỹ. Từ số tiền này, các Chi hội đã hỗ trợ, tặng sổ tiết kiệm, gạo, quà cho hộ phụ nữ, học sinh nghèo trên địa bàn.
Với hơn 16.200 hội viên trên địa bàn được chia làm 964 nhóm, Câu lạc bộ Sống xanh tại Đà Nẵng đã có hơn 80% số nhóm thực hiện các mô hình “Thu gom phân loại rác thải”, “Tận dụng vải bạt cũ may túi”, “Thùng rác môi trường”. Qua đó, tạo sự đồng thuận của người dân, hình thành thói quen đổ rác đúng nơi quy định, biết cách phân loại rác và hạn chế xả rác thải ra môi trường, bà Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, đưa ra giải pháp, phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa; chia sẻ mô hình hoạt động thu gom rác thải dựa vào cộng đồng phát huy hiệu quả; thuận lợi, khó khăn trong thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến thu gom, xử lý rác.