(Tin Môi Trường) - Ông Nguyễn Xuân Hương, em trai Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa cho biết: Trang trại của ông không liên quan đến anh trai: “Tôi sai thì tôi chịu”.
Khu trang trại ẩm thực của ông Nguyễn Xương Hương.
Thời gian gần đây, những thông tin về trang trại xây dựng kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Xuân Hương ở thôn Thịnh Vạn (xã Quảng Thịnh) khiến dư luận xôn xao. Người ta chú ý đến vụ việc này không chỉ bởi hộ kinh doanh của ông Hương đã sử dụng 327,8 m2 vào mục đích kinh doanh ẩm thực, không đúng mục đích được thuê, việc hoạt động kinh doanh lĩnh vực ăn uống chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Ngoài ra, một lý do quan trọng không kém, đó là ông Hương là em trai của ông Nguyễn Xuân Phi- Bí thư Thành ủy TP. Thanh Hóa.
Ngay sau khi vụ việc rùm beng trên báo chí, UBND TP Thanh Hóa đã vào cuộc và có báo cáo số 436 gửi Thường trực Thành ủy Thanh Hóa về kết quả kiểm tra, rà soát kết quả kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất trang trại tổng hợp cá - lúa của hộ ông Hương.
UBND thành phố yêu cầu gia đình ông Hương sử dụng đất đúng vị trí, ranh giới khu đất, mục đích sử dụng đất được thuê, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất; tháo dỡ bảng, biển, dừng các hoạt động liên quan đến kinh doanh ẩm thực. Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa cũng yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và UBND xã Quảng Thịnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu cho Chủ tịch UBND TP các biện pháp xử lý vụ việc trên theo quy định.
Ngay sau khi có báo cáo này, ông Nguyễn Xuân Hương đã phát biểu trên báo chí, thừa nhận sai phạm và khẳng định việc kinh doanh của ông không liên quan đến anh trai đang là Bí thư thành ủy, đồng thời khẳng định: “Tôi làm sai thì tôi chịu”.
Về lý, điều ông Hương khẳng định là đúng đắn, ông kinh doanh là việc của ông, không liên quan gì đến anh trai ông, và ai làm sai người ấy phải chịu. Nhưng dư luận có quyền đặt dấu hỏi nghi ngờ, nếu ông Hương không phải là em trai của đương kim Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa, ông Hương “có được quyền sai” hay không?
Chẳng lẽ với cương vị là người đứng đầu về mặt Đảng ủy Thành phố, ông bí thư lại không biết gì về trang trại có sai phạm của em mình?
Cho nên, chuyện ông Hương thẳng thắn phát biểu: “Tôi làm sai thì tôi chịu” chỉ là chuyện của cá nhân ông Hương, còn việc ông làm sai để ảnh hưởng đến uy tín của anh trai mình- một cán bộ lãnh đạo có trọng trách thì rõ ràng là chuyện “biết mà vẫn cố tình”.
Thời vua Minh Mạng, luật “hồi tỵ” được quy định rất chi tiết, người được bổ làm quan phải biệt phái đi địa phương khác, không được làm quan trên quê hương mình vì e rằng sẽ có những điều thiên vị, thiên lệch cho anh em họ hàng, người thân thích. Người ta tránh cho nhau những trường hợp khó xử mà bản năng tình cảm con người không thể xử lý được, cũng là để giữ cho sự công minh của luật pháp, sự chính trực không bị xâm phạm.
Chuyện ông anh làm Bí thư Thành ủy và ông em kinh doanh có sai phạm chắc chắn về mặt lý chẳng liên quan gì đến nhau, ai sai người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, người dân có quyền đặt ra những nghi vấn, rằng có chăng sự ưu ái, vì nể “người nhà cán bộ” nên ông Hương mới có những việc làm sai phạm như vậy?
Ai làm sai người ấy phải chịu, nhưng cái sự “mang tai mang tiếng” cho người thân làm quan chức và khiến người dân cảm thấy bị suy giảm lòng tin thì ai sẽ chịu?