(Tin Môi Trường) - Hàng loạt ý kiến phản đối hoặc đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu lên kịch khung
Ngoài mức tăng thu quá cao đối với thuế bảo vệ môi trường (BVMT) xăng dầu, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn từ dư luận với loại thuế này như: chi thế nào cho hoạt động BVMT, đã đánh giá đúng mặt hàng gây ô nhiễm lớn cần tăng thuế hay có phương án tăng thu nào để thay thế…?
Chi trực tiếp BVMT không quá 1%
Mỗi lần Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế BVMT thì câu hỏi thường xuyên được đặt ra là bộ này đã chi thế nào cho công tác BVMT?
Theo Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN) quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. "Khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN và được Quốc hội (QH) phê duyệt hằng năm" - Bộ Tài chính cho biết.
Đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động đến giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất Ảnh: TẤN THẠNH
Thực tế, giai đoạn 2012-2016, chi cho BVMT từ NSNN tăng dần và mức bình quân mỗi năm cao hơn số thu thuế BVMT. Cụ thể, tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn này khoảng 131.857 tỉ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỉ đồng/năm. Còn số thu thuế BVMT là khoảng 105.985 tỉ đồng, bình quân 21.197 tỉ đồng/năm.
Cụ thể về mức chi cho từng nhiệm vụ, Bộ Tài chính cho biết trong tổng số chi thường xuyên cho BVMT khoảng 89.131 tỉ đồng, có 52.420 tỉ đồng là chi thường xuyên từ NSNN bố trí trực tiếp cho sự nghiệp BVMT, không quá 1% tổng chi NSNN. Ngoài ra, chi thực hiện các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo… bố trí trong dự toán chi NSNN hằng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT); chi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… khoảng 36.711 tỉ đồng.
Góp ý, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng do quy định số tiền thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể nên phải bổ sung nội dung đánh giá việc NSNN chi cho nhiệm vụ BVMT tương ứng với giai đoạn 2012-2017.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị hằng năm, Bộ Tài chính cần công khai thu thuế BVMT và chi cho hoạt động BVMT để người dân biết, giám sát.
Cùng mối lo lắng với thu - chi thuế BVMT, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nêu một số nước thu - chi cho BVMT được ghi ở mục riêng để dễ theo dõi. Còn ở Việt Nam, nguồn thu này hòa chung vào ngân sách nên không kiểm soát được việc chi có đúng và hiệu quả không? "Yêu cầu đặt ra là tăng thu thuế BVMT thì phải chi nhiều hơn cho môi trường, vì hiện nay tình hình ô nhiễm cũng căng thẳng" - ông Lưu Bích Hồ nói.
Thời điểm tăng không hợp lý
Theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, mỗi đề xuất tăng thu thuế đều có tác động lớn đến đời sống của người dân và sức chịu đựng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều luật thuế khi xây dựng lại không đưa ra được những định lượng mang tính thuyết phục về cơ sở để tăng thuế. Do đó, ông đề xuất thời điểm hiện tại, QH và Ủy ban Thường vụ QH chưa nên cho tăng bất cứ loại thuế nào vì phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng những ảnh hưởng của việc tăng thuế đối với người tiêu dùng, chỉ số CPI cũng như an sinh xã hội, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. "Ngay cả với thuế BVMT, dù là đề xuất tăng trong khung thuế đã được quy định ở luật thì cũng không nên tăng vào thời điểm này, cần có lộ trình với thời điểm phù hợp" - ông Lưu Bích Hồ lưu ý.
Trong công văn do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký gửi sang Bộ Tài chính, bộ này cho rằng điều chỉnh thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến chi phí vận tải. Trong khi đó, Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải hoạt động, đặc biệt là các giải pháp giảm chi phí logistics. Do đó, cần có lộ trình hợp lý và nghiên cứu đánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh thuế BVMT.
Theo góp ý của Bộ Công an, đối với các mặt hàng xăng, dầu, nhiên liệu bay, việc tăng thuế BVMT sẽ tác động đến giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất xã hội và nền kinh tế.
Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra biểu thuế phù hợp. "Bộ Tài chính cần xây dựng lộ trình tăng thuế BVMT đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế cụ thể theo từng giai đoạn thay vì tăng tất cả trong một lần để có sự đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng" - Bộ Công an nêu.
Trong văn bản góp ý của UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cũng đề xuất tăng dần thuế BVMT đối với mặt hàng xăng, dầu theo lộ trình. Về căn cứ tăng thuế, TP Hà Nội đề nghị bên cạnh việc so sánh giá xăng thì bổ sung đánh giá so sánh về mức thu nhập bình quân của Việt Nam với các nước khác.
Tìm những nguồn thu khác
Một đại biểu QH đề nghị giấu tên bày tỏ thực tế, NSNN đã sắp "thâm thủng", các nguồn thu cạn dần, trong khi nhiệm vụ thu được QH phê duyệt rất cao. Do đó, cũng nên phần nào "thông cảm" cho áp lực của Chính phủ. Tuy nhiên, các ý kiến góp ý cho rằng cần tìm các nguồn thu khác thay vì "nhăm nhăm" vào mặt hàng thiết yếu.
Ông Lưu Bích Hồ nêu lại vấn đề mấu chốt đã được nhắc nhiều là Bộ Tài chính cần thay đổi quan điểm từ tăng thu sang giảm chi để cân đối ngân sách. "Ngân khố" không nên quá trông chờ vào nguồn thu thuế, cần đẩy mạnh thu từ chống thất thu thuế, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thu từ tài sản chống tham nhũng…
TP Hà Nội cũng góp ý việc bù đắp NSNN nên tính toán cơ sở mở rộng đối tượng chịu thuế; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế.
Thực tế, thất thu thuế tồn tại ở lĩnh vực kinh doanh cá thể, kinh tế hộ gia đình… không qua thanh toán điện tử và khu vực kinh tế ngầm. Nếu kiểm soát tốt các khu vực này, số thuế thu về NSNN chắc chắn sẽ tăng.
Không hợp tình, chẳng hợp lý
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nêu rõ theo tính toán, ngành vận tải không phải là ngành thải khí nhà kính lớn nhất, thậm chí còn thấp hơn bình quân chung của nền kinh tế. Ngành thải ra khí nhà kính lớn nhất chính là công nghiệp chế biến với mức thải cao hơn bình quân chung của nền kinh tế hơn 3 lần. Bên cạnh đó, sản xuất hàng xuất khẩu thải ra khí nhà kính chiếm 51% tổng phát thải.
"Đáng lưu ý, sản xuất hàng xuất khẩu cơ bản thuộc lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm đến 73%. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất tăng thuế BVMT đối với xăng dầu nếu chỉ vì mục đích BVMT thì hoàn toàn không hợp tình, cũng không hợp lý" - ông Trinh phân tích.