Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tăng thuế môi trường, Bộ Tài chính bịt tai trước dư luận

(09:54:52 AM 18/05/2018)
(Tin Môi Trường) - Trước khi chính thức đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT), Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ - ngành. Đáng chú ý, hàng loạt bộ chưa đồng thuận, lưu ý Bộ Tài chính phải hết sức cân nhắc.

Tăng thuế môi trường, Bộ Tài chính bịt tai trước dư luận

Minh họa: Khều.

 

Thế nhưng, rốt cuộc, Bộ Tài chính vẫn đệ trình lên UBTVQH, trong đó bảo lưu đề xuất: tăng thuế BVMT trong giá xăng từ 3.000 đồng lên mức kịch khung 4.000 đồng, trong giá dầu các loại lên mức chung 2.000 đồng.
 
Đó mới chỉ là một số bộ - ngành hữu quan được lấy ý kiến thôi, chẳng rõ Bộ Tài chính trưng cầu góp ý của người dân qua kênh nào mà không thấy công bố kết quả. Có lẽ vì biết chắc chẳng có ai đồng ý với đề xuất ấy… Dù nhiều bộ chưa đồng tình mà Bộ Tài chính vẫn "mũ ni che tai" thì quả là trưng cầu cho có.
 
Lý lẽ tăng thuế BVMT của Bộ Tài chính hết sức chung chung, trong đó tập trung 2 cụm lý do chính: (1) giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới; giá xăng, dầu Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 120 nước); và (2) việc tăng thuế còn phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế…
 
Cụm lý do thứ nhất nghe không lọt lỗ tai chút nào. Vì so giá bán xăng dầu ở Việt Nam với các nước thấy thấp nên tăng cho "bằng chị bằng em" trong khi theo quy luật thị trường, đáng lý ra phải cố gắng giảm giá để tăng năng lực cạnh tranh bởi mặt hàng này tác động đến chi phí đầu vào của hầu hết sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, kể cả chi tiêu tiêu dùng. Thêm nữa, so giá bán như thế thì sao không so mức thu nhập đầu người tính trên GDP và phúc lợi xã hội mà người dân Việt Nam được hưởng?
 
Cụm lý do thứ hai, hãy nói trắng ra là do ngân sách hụt thu nên phải tăng thu sắc thuế này để bù (tính ra mỗi năm thu thêm được khoảng 15.000 tỉ đồng). Theo quy định của Luật Ngân sách thì khoản thu từ những nguồn như thuế BVMT được gộp chung vào công khố và được chi cho nhiều mục tiêu khác. Do vậy, "bảo đảm lợi ích quốc gia" là cách nói bóng bẩy của mục đích bù hụt thu khi mà các khoản thuế nhập khẩu giảm dần về bằng 0 theo các cam kết hội nhập.
 
Mà, làm theo cách hễ hụt thu đầu này - tăng thu đầu kia thì đơn giản quá, ai cũng nghĩ được, đâu cần Bộ Tài chính. Đó là chưa kể đến nguy cơ tính già hóa non: làm tăng chi phí doanh nghiệp thì lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm, tức là nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm theo. Sự lợi bất cập hại này có thể Bộ Tài chính đã nghĩ tới nhưng vì thu thuế qua giá xăng dầu là cái trước mắt, dễ làm, lại tiền tươi thóc thật vào túi hằng phút, hằng giờ, hằng ngày… nên cứ "vặt" cái đã. Còn những chuyện khó như động não nghĩ cách giảm chi thường xuyên thì từ từ mà làm. Nói đâu xa, Bộ Tài chính đang dẫn đầu về số lượng biên chế ăn lương ngân sách, thử cắt giảm mạnh ngay trong bộ máy của mình làm gương đi!
 
Với vụ đề xuất tăng thuế BVMT, tiếng dân đã lọt khỏi tai Bộ Tài chính, chỉ còn mong sẽ được UBTVQH lắng nghe.
Cát Tường (Báo NLD)