(Tin Môi Trường) - Đợt đề xuất thuế bảo vệ môi trường lần này đề nghị tăng thuế với cả túi nilông và than. Điều này gây lo ngại tác động lên giá điện...
Tăng thuế môi trường với than sẽ tạo sức ép lên giá điện - Ảnh: TRỌNG ĐẠT
Ngoài xăng dầu, than đá cũng được nằm trong đề xuất tăng thuế môi trường thêm từ 1.000 - 10.000 đồng, tùy loại.
Không đồng tình với đề xuất này, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam cho rằng doanh nghiệp ngành than sẽ khó khăn rất lớn trong đầu tư phát triển, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, than là nguồn nguyên liệu chính phục vụ sản xuất điện. Nên nếu tăng thuế than như đề xuất sẽ không chỉ làm tăng chi phí sản xuất than mà còn khiến tăng giá thành sản xuất điện, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế.
Trong báo cáo thẩm định dự thảo nghị quyết Chính phủ trình, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo - nghiên cứu thêm về mức tăng thuế.
Tăng kịch trần dù đảm bảo tính pháp lý song việc tăng thuế kịch khung đối với xăng dầu, nhất là tăng thuế mazut từ 900 đồng lên 2.000 đồng/kg, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán điện.
Do đó, Bộ Tài chính cần thuyết minh làm rõ việc tăng thuế này tác động đến từng ngành sản xuất cũng như hoạt động của sản xuất điện và kinh doanh vận tải.
Văn bản do bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng túi nilông thêm 10.000 đồng/kg, tức từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/kg.
Ước tổng số thu sẽ đạt khoảng 67,5 tỉ đồng, tăng khoảng 13,5 tỉ đồng/năm. Như tính toán của bộ này, giá túi nilông sẽ tăng khoảng 14,3% sau khi mức thuế mới được áp dụng.
Một số doanh nghiệp đánh giá việc túi nilông tăng giá sẽ đẩy chi phí bao bì tăng.
Bà Huỳnh Thị Mỹ - tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) - cho biết thực tế thuế bảo vệ môi trường với túi nilông đã được áp dụng từ năm 2012.
Tuy nhiên, Nhà nước có thực thu được thuế này đối với doanh nghiệp túi nilông hay không lại là câu chuyện khác.
Theo thông tin mà VPA đã từng khảo sát, trong hơn 500 doanh nghiệp đang sản xuất túi nilông hiện nay, chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất túi nilông có giấy chứng nhận túi nilông thân thiện môi trường do Bộ Tài nguyên - môi trường cấp. Mà đã có giấy này thì khỏi cần đóng thuế.
Trong khi số doanh nghiệp còn lại, hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có sản phẩm xuất khẩu, không có sản phẩm được hệ thống các siêu thị đặt mua theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, vẫn sản xuất và bán ra thị trường bên ngoài theo kênh phân phối truyền thống (chợ sỉ, chợ lẻ, bỏ mối).
Với các doanh nghiệp dạng này Nhà nước hiện gần như không thu được thuế.