(Tin Môi Trường) - Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học và ngày Môi trường Thế giới năm 2018, sáng nay (17/05) tại Hà Nội, TƯ. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (HUSTA) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cùng hành động vì môi trường Thủ đô”.
Toàn cảnh hội thảo khoa học "Cùng hành động vì Môi trường Thủ đô"
Tham dự Hội thảo có TS. Phạm văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch TƯ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; GS.TS. Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội; GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Phó chủ tịch VACNE, Chủ tịch Hội đồng Cây Di Sản Việt Nam; Đại diện các cơ quan, ban ngành và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE nhận định: Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống, nhiều văn bản chính sách được ban hành nhưng hiện nay đa dạng sinh học ở nước ta đang trên đà suy giảm, suy thoái. Nguyên nhân là do việc khai thác quá mức, trái phép và buôn bán tiêu thụ trái phép động vật hoang dã cùng với sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai, sinh cảnh bị chia cắt do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển hạ tầng, thủy điện, trong công cuộc phát triển đất nước, do điều kiện kinh tế còn hạn chế dấn đến nhập khấu các máy móc thiết bị thô sơ, tạo ra vấn nạn môi trường không khí, nước thải…
Do vậy, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng là vấn đề cần chú trọng nhằm bảo vệ môi trường sống và phát triển các hệ sinh thái, các giống, loài có sức chống chịu tốt với các thay đổi khí hậu; bảo vệ, bảo tồn nguồn gen và các giống loài có khả năng bị tuyệt chủng do tác động của biến đổi khí hậu.
Hội thảo tập trung đề cập tới những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô và thực trạng môi trường hiện nay. Sự tác động của môi trường đến hệ sinh thái Thủ đô, trước sự du nhập sinh vật ngoại lai và sinh vật bản địa.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Trần Chấn, Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ đã đề cập và báo cáo và đánh giá thực trạng về sự đa dạng sinh học. Thủ đô được thừa hưởng nhiều nguồn gen quý của cả nước và những nguồn gen quý đặc hữu của Hà Nội, hiện nay đã thống kê được 6 nhóm, 131 loài cây và 1357 giống, bao gồm cây ăn quả, rau, cảnh… bên cạnh đó hệ đa dạng về giống loài cũng rất phong phú đa dạng, ngoài những loài thú hoang dã tự nhiên của Hà Nội thì còn vườn thú tại công viên Thủ lệ, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã…
Cũng Tại Hội thảo GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN đã báo cáo và tuyên tương những thành tích mà Hà Nội đạt được trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cũng là địa phương đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di Sản Việt Nam… là nguồn gen quý sự đa dạng hệ thực vật trường tồn theo thời gian… điển hình như : Cụm 9 cây muỗm có tuổi đời trên 900 năm tuổi tại đền Voi Phục, là cụm Cây Di Sản đầu tiên ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, bên cạnh đó còn nhiều gen của các giống loài khác…Bên cạnh đó, GS cũng mong mỏi cần sự tăng cường hơn nữa giữa các cơ quan chức năng kết hợp với nhân dân bảo tồn những nguồn gen quý, tạo nên sự đa đạng sinh học ngày càng phonng phú.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN đóng góp tham luận tại hội thảo.
Đóng góp tại Hội thảo, một số tham luận đã đánh giá trực tiếp hiện trạng môi trường, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của đất nước và ý thức bảo vệ môi trường của con người hiện nay. Đồng thời, các tham luận đã đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch bền vững của Thủ đô.
Sự phát triển công nghiệp, công trường xây dựng mọc khắp Thủ đô và phố phường tràn ngập các ô tô, xe máy… dẫn đến việc phục hồi bầu không khí trong lành của Hà Nội trong bối cảnh hiện nay là một việc cấp thiết.
Bên cạnh đó, việc xử lý triệt để nước thải cũng là vấn đề cấp bách của Hà Nội theo định hướng kết nối con người với thiên nhiên là cần cải thiện chất lượng môi trường các ao hồ, kênh mương, sông để đảm bảo môi trường nước mặt Thủ đô trong sạch, đảm bảo cảnh quan đô thị.
Mặt khác, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nước đô thị. Các khu đô thị mới, chung cư cao tầng cần tiếp tục đầu tư các trạm xử lý nước thải với công nghệ đảm bảo đáp ứng quy chuẩn nước thải trước khi xả ra môi trường. Có như vậy, vấn đề nước thải đô thị mới hoàn toàn được hóa giải...
Kết thúc Hộ thảo GS.TS Vũ Hoan đã ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các chuyên gia nhà khoa học, từ đó cũng chỉ ra những thách thức đòi hỏi của công cuộc bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu là vô cùng to lớn, lâu dài và phức tạp, đặc biệt là môi trường Thủ đô. vì vậy cần sự quan tâm hơn nữa các nhà khoa học đầu ngành cũng như tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân cùng chung tay hơn nữa bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn.