(Tin Môi Trường) - Từng được kỳ vọng trở thành cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu bằng sản phẩm chuối Cavendish (chuối Nam Mỹ) xuất khẩu, tuy nhiên sau gần 2 năm trồng thử nghiệm, người trồng chuối và cơ quan chuyên môn huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đều “vỡ mộng” xuất khẩu chuối ra thị trường nước ngoài.
Ảnh: IE
*Nỗ lực đưa chuối Nam Mỹ ra nước ngoài
Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã triển khai trồng thí điểm 30 ha chuối Nam Mỹ trên địa bàn các xã Krông Na, Ea Huar và Ea Nuôl.
Với mục tiêu trồng giống chuối mới phục vụ nhu cầu thị trường nước ngoài, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư Chuối Việt (có địa chỉ tại phường 16, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh) tiến hành khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng của các khu vực thí điểm trồng chuối Nam Mỹ. Sau khảo sát, cây chuối Nam Mỹ được đánh giá khá phù hợp với chất đất và khí hậu của huyện Buôn Đôn.
Để chuẩn bị cho dự án trồng chuối hướng đến thị trường xuất khẩu, chính quyền huyện Buôn Đôn và Công ty cổ phần Đầu tư Chuối Việt đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc, xử lý sâu bệnh… Công ty cũng khẳng định với các nông hộ trồng chuối, nếu chăm sóc đúng quy trình được hướng dẫn, sản phẩm làm ra sẽ đảm bảo được các tiêu chí xuất khẩu và đem lại thu nhập cao.
Năm 2016, đề án trồng chuối Nam Mỹ tại huyện Buôn Đôn chính thức được thực hiện. Để hỗ trợ người dân triển khai mô hình trồng chuối Nam Mỹ, UBND huyện Buôn Đôn đã hỗ trợ 50% chi phí cây giống và cử cán bộ nông nghiệp theo dõi thường xuyên quy trình canh tác của các nông hộ trồng chuối. Công ty cổ phần Đầu tư Chuối Việt cũng cử nhân viên theo dõi quá trình chăm sóc cây chuối của các nông hộ, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nếu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu với giá 5.000 đồng/kg chuối loại 1 và 3.000 đồng/kg chuối loại 2.
Có thể thấy, đề án trồng chuối Nam Mỹ của huyện Buôn Đôn được tổ chức khá bài bản, từ khâu khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu đến khâu tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăm sóc, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tất cả đều hướng đến mục tiêu xuất khẩu trái chuối ra thị trường nước ngoài, đem lại hiệu quả kinh tế cao và từ đó nhân rộng mô hình.
Tuy nhiên, ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, sản phẩm chuối Nam Mỹ đã không đáp ứng được tiêu chuẩn loại 1 để xuất khẩu, nhiều nông hộ bị lỗ nặng và thất bại ngay từ vụ đầu khiến “giấc mơ” xuất khẩu chuối Nam Mỹ phải dừng lại ngay khi mới bắt đầu.
* “Vỡ mộng” xuất khẩu
Ông Nguyễn Trung Thành, buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho biết, thời điểm năm 2016 khi biết đến đề án chuyển đổi sang trồng chuối Nam Mỹ theo hướng xuất khẩu, ông Thành cùng nhiều nông hộ đã tham gia các đợt tập huấn quy trình chăm sóc và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Đầu tư Chuối Việt.
Cuối năm 2016, ông Thành trồng hơn 2.500 cây chuối Nam Mỹ trên diện tích 1 ha đất. Toàn bộ giống cây, phân bón, thuốc trừ sâu đều do Công ty cổ phần đầu tư Chuối Việt cung cấp, quy trình chăm sóc được thực hiện theo hướng dẫn và dưới sự giám sát của nhân viên công ty.
Theo ông Thành, bản thân ông và các nông hộ đều thực hiện đúng quy trình canh tác từ lúc trồng giống đến kỹ thuật chăm sóc theo các giai đoạn phát triển, sinh trưởng của cây chuối, thậm chí việc diệt sâu, bệnh hại cũng tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn của công ty.
Đến cuối năm 2017, người trồng chuối trên địa bàn huyện Buôn Đôn bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên trong sự thất vọng nặng nề. Toàn bộ sản phẩm chuối Nam Mỹ từng được kỳ vọng sẽ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đem lại hiệu quả kinh tế cao đều không đủ tiêu chuẩn loại 1 để phía công ty thu mua.
Chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, không được Công ty cổ phần Đầu tư Chuối Việt thu mua theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, người trồng chuối phải bán ra thị trường với giá từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.
“Ngay từ vụ đầu tiên gia đình tôi đã đầu tư 150 triệu đồng chi phí sản xuất, nhưng thu lại chỉ được 30 triệu đồng sau khi bán chuối và thua lỗ 120 triệu đồng. Nhận thấy giống chuối mới không thể đem hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi đã phá bỏ 1 ha chuối Nam Mỹ để chuyển đổi sang cây trồng khác”, ông Thành nói.
Sau một năm đầu tư nguồn vốn, bỏ công chăm sóc, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác được hướng dẫn, có sự đồng hành của phòng chuyên môn và phía công ty, thế nhưng nông sản làm ra vẫn không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như kỳ vọng. Nhiều hộ gia đình đã “quay lưng” với vườn chuối ngay sau vụ đầu thu hoạch, một số diện tích chuối bị nông dân “bỏ rơi” không tiếp tục chăm sóc. Nhiều nông hộ chịu lỗ hàng trăm triệu phá bỏ vườn chuối để chuyển đổi sang cây trồng khác, một số hộ cố gắng chăm sóc vườn chuối và nuôi hy vọng thu lãi từ thị trường nội địa.
Năm 2016, gia đình ông Nguyễn Đức Buông, buôn Ea Mar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cũng trồng 1,5 ha chuối Nam Mỹ, vụ chuối đầu tiên ông Buông thu được 50 tấn nhưng không đạt tiêu chuẩn chuối loại 1 để xuất khẩu, ông Buông bán với giá từ 2.000 – 2.500 đồng/kg, “Vì chuối năm đầu tiên phải đầu tư chăm sóc nhiều nên toàn bộ số tiền thu được của vụ 1 chỉ đủ bù vào chi phí sản xuất” ông Buông cho biết.
Theo ông Buông, hiện gia đình ông chỉ cố gắng chăm sóc vườn chuối để tiêu thụ ở thị trường nội địa, bán cho thương lái tự do, không “mơ màng” đến chuyện trồng chuối để xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do thị trường nội địa không ổn định, giá cả bấp bênh, thị trường phụ thuộc vào thương lái… khiến những người giữ lại vườn chuối như ông Buông không khỏi lo lắng.
Lý giải về việc chuối Nam Mỹ trồng tại huyện Buôn Đôn không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, bà Trần Thị Thủy – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn cho biết, do yêu cầu về tiêu chuẩn chuối xuất khẩu của Công ty cổ phần Đầu tư Chuối Việt khá cao nên người trồng chuối không đáp ứng được và không thể bán ra thị trường nước ngoài như mục tiêu ban đầu.
Theo bà Thủy, phía công ty thu mua yêu cầu trên buồng chuối không có trái chuối nào có chấm màu đen, tuy nhiên hầu hết tất cả các buồng chuối đều không đạt được tiêu chuẩn này và phải tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Đánh giá về dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Buôn Đôn, bà Trần Thị Thủy thừa nhận thất bại trong việc đưa trái chuối xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, vì sau hai mùa vụ mùa vẫn không thể thực hiện được mục tiêu đề ra.
Hơn nữa, người dân cũng không thể tuân theo quy trình chăm sóc kỳ công, tỉ mỉ như hướng dẫn của công ty đối với những diện tích chuối còn lại nên chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước. Cũng theo bà Thủy, dù không thể xuất khẩu như mục tiêu ban đầu, nhưng cây chuối tại Buôn Đôn vẫn đem lại thu nhập ổn định hơn so với các loại hoa màu được trồng trước đây.
Trong bối cảnh người nông dân sản xuất nông nghiệp tự phát dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp thì người trồng chuối tại huyện Buôn Đôn đã chuyển đổi cây trồng theo kế hoạch, áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất, có sự “kề vai sát cánh” của chính quyền địa phương nhưng vẫn không thể đem lại hiệu quả như kỳ vọng và “dang dở giấc mơ” xuất khẩu chuối ra thị trường nước ngoài.