(Tin Môi Trường) - Một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã mua cả chục ngàn mét vuông đất lâm trường trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội, vi phạm pháp luật về quản lý đất đai. Điều này được cử tri đặc biệt quan tâm.
Nhiều biệt thự tại Ba Vì lấn chiếm đất công - Ảnh: Nam Phong
Tại cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH TP.Hà Nội trước kỳ họp Quốc hội, vấn đề quản lý đất nông, lâm trường trên địa bàn huyện Ba Vì được cử tri và lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Chu Văn Kỷ, Bí thư xã Thụy An (huyện Ba Vì) đã nêu ra tình trạng mua bán trao tay, mua gom đất nông lâm trường Việt Mông (thuộc địa bàn xã An Bài, Ba Vì) để xây trang trại, biệt phủ.
“Qua kiểm tra chúng tôi thấy rất nhiều các hộ dân tự ý xây trạng trại nhà cửa không phép trên đất nông lâm trường. Do lịch sử để lại nên vấn đề quản lý đất đai ở đây bị buông lỏng, có nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn nhau” - ông Kỷ nói và đề nghị đẩy nhanh việc bàn giao đất nông lâm trường cho địa phương quản lý để ngăn chặn tình trạng mua bán trao tay, thu gom đất đai xây trang trại, biệt phủ trái phép.
Ông Chu Văn Kỷ, Bí thư xã Thụy An (huyện Ba Vì) nêu thực trạng vi phạm trong việc mua bán, quản lý, sử dụng đất lâm trường Việt Mông
Trả lời vấn đề trên, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến, thừa nhận việc quản lý đất đai trên địa bàn huyện rất phức tạp, thậm chí có biểu hiện mua bán bất động sản, chuyển nhượng đất nông lâm trường. Theo ông Tiến, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc quy hoạch ở các nông lâm trường chưa rõ ràng phần nào đất ở, phần nào đất sản xuất và không bàn giao cho địa bàn quản lý. Từ đó dẫn đến việc quản lý đất đai gần như bị thả nổi.
Ông Tiến nói: “Bản thân các chủ nông lâm trường - đơn vị được giao quản lý đất đai nông trường - quản lý đất đai rất lỏng lẻo. Nhiều khi có sự việc liên quan đến đất đai nông lâm trường xảy ra, chủ đất không chịu báo cáo hoặc báo cáo theo kiểu “sự đã rồi". Chính quyền huyện, xã chúng tôi cũng có trách nhiệm trong quản lý đất đai và trật tư xây dựng. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm trực tiếp phải là các ông chủ nông lâm trường này”.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến thừa nhận việc quản lý đất lâm trường Việt Mông rất lỏng lẻo
Ông Bạch Công Tiến cũng cho biết, chính quyền huyện cũng có nghe dư luận phản ánh thông tin ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ TN-MT mua gom đất nông lâm trường nằm trên địa bàn xã Yên Bài. “Sau khi nghe dư luận phản ánh, chúng tôi đã cử cán bộ xuống xã Yên Bài tìm hiểu sự việc. Vấn đề mua bán đất theo kiểu trao tay như thế rất phức tạp. Nhưng để khẳng định sự việc liên quan đến Thứ trưởng Kiên hay không thì chúng tôi chưa có cơ sở. Việc này chúng tôi sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo” - ông Tiến nói.
Trên thực tế, qua tìm hiểu, cho thấy ông Kiên đã mua tổng cộng tới 18.000m2 đất và tiến hành xây dựng một căn chòi ngũ giác trên diện tích đất lâm nghiệp không phép.
Cụ thể, biên bản chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất viết tay, được lập vào ngày 13.11.2014 thể hiện, ông Trần Quý Kiên (sinh ngày 2.8.1964) trú tại 54 Sơn Tây, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội có nhận chuyển nhượng của ông Đỗ Quốc Chiến và bà Nguyễn Thị Huế (đội 5, Phú Yên, Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) 5.000m2 đất đồi chè và 3.000m2 đất khai hoang với tổng số tiền là 1,75 tỉ đồng.
Giấy mua bán 8.000 m2 đất lâm nghiệp của ông Trần Quý Kiên với hộ gia đình ông Đỗ Quốc Chiến
Ngày 21.11.2014, ông Đỗ Quốc Chiến đã nhận đủ 1,75 tỉ đồng từ ông Trần Quý Kiên, kể từ đó ông Kiên được phép sử dụng toàn bộ thửa đất trên và toàn quyền sử dụng đường đi chung.
Điều đáng nói, trong biên bản chuyển nhượng nói trên có sự xác nhận của Chủ tịch UBND xã Yên Bài, đóng dấu và ký tên.
Ngoài 8.000m2 đất, tài sản trên đất bao gồm nhà ở cấp 4, chuồng trại, cây chè, cây ăn quả, ao thả cá… Sau đó ông Kiên tiếp tục mua thêm 10.000m2 đất nữa của một số hộ lân cận, nâng tổng số diện tích đất lên 18.000m2. Nhanh chóng sau đó, ông Kiên cải tạo khu đất này thành một khu trang trại quy mô.
Một góc khu đất cả chục nghìn mét vuông đất của Thứ trưởng Trần Quý Kiên
Không chỉ ông Kiên, khu vực này còn một “biệt phủ” của gia đình ông Tuân và ông Hùng là lãnh đạo một viện nghiên cứu thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ. Đây là nơi cả gia đình ông tụ họp ăn uống, nghỉ ngơi vào những ngày cuối tuần. Khu nhà được làm bằng gỗ, xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái. Phía dưới là các nhà phụ trợ, cùng bể bơi diện tích lớn được xây dựng công phu.
Ngày 27.4 vừa qua, Hạt Kiểm lâm Ba Vì có báo cáo trả lời Chi cục Kiểm lâm Hà Nội. Về nguồn gốc đất đai của Nông trường Việt Mông, Quyết định số 739/QĐ-ĐMDN ngày 16.3.2006 của Bộ NN-PTNT về việc chuyển Nông trường Việt Mông thành Công ty gia súc Việt Mông, theo quyết định này tổng diện tích do Nông trường quản lý sử dụng là 1.116,67 ha.
Văn bản trả lời của hạt kiểm lâm ghi rõ rằng: “Theo báo cáo của UBND xã Yên Bài thì đến thời điểm hiện nay chưa có một văn bản cụ thể nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bàn giao phần diện tích Nông trường Việt Mông về địa phương quản lý.
Về việc giao khoán đất của Nông trường Việt Mông: Theo báo cáo của UBND xã Yên Bài toàn bộ phần diện tích đất của Nông trường Việt Mông đều được giao khoán theo nghị định số 01/NĐ-CP ngày 1.1.1995 của Chính phủ với tổng số 1.040 hợp đồng giao khoán, thời hạn 50 năm. Qua kiểm tra hồ sơ giao khoán chúng tôi nhận thấy Nông trường Việt Mông đã tự ý giao cho mỗi hộ 300m2 đất ở và 50 năm sử dụng điều này là trái với điều 2, điều 10 của bản quy định ban hành kèm theo Nghị định số 01/NĐ-CP.
Về việc mua bán đất đai và xây dựng các khu nghỉ dưỡng trái phép: Hầu hết các hộ dân được giao khoán theo nghị định 01/NĐ-CP đã chuyển nhượng, bán đất nhận khoán theo hình thức trao tay, UBND xã Yên Bài không nắm rõ được. Việc xây dựng các công trình trên đất nhận khoán được tiến hành từ những năm về trước không thuộc phạm vi quản lý của UBND xã Yên Bài. Tuy vậy những công trình gần đây xây dựng khi phát hiện thì UBND xã đều tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ xử lý (như hộ nhà ông Lê Viết Long đã xây dựng trên đất giao khoán xã đã đình chỉ và báo cáo UBND huyện).
Cổng vào của khu đất được cho là của ông Trần Quý Kiên
Tuy nhiên, ông Trương Hồng Ngọc - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Mông (tiền thân là Nông trường Việt Mông) lại cho hay: “Khu đất này công ty tôi đã giao lại hoàn toàn cho huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây quản lý từ năm 2016, hiện công ty là doanh nghiệp thuần túy, không quản lý khu đất đó nữa”.
Theo đó, xã Yên Bài có 1.125 hồ sơ. Cuối biên bản ghi rõ: “Kể từ ngày 4.10.2016 số hồ sơ, tài liệu trên do phòng TN-MT huyện chịu trách nhiệm quản lý. Như vậy, xét thấy nội dung báo cáo kết quả xác minh thông tin của Hạt Kiểm lâm Ba Vì gửi Cục Kiểm lâm vừa kể trên có sự mâu thuẫn.
Đại diện UBND huyện Ba Vì, ông Nguyễn Văn Trường (Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Ba Vì) trao đổi với báo chí cũng cho rằng Nông trường Việt Mông chưa bàn giao, năm 2016 mới chỉ bàn giao mốc giới, còn sự quản lý vẫn là của nông trường. Tuy nhiên, khi được hỏi văn bản yêu cầu cung cấp để chứng minh thì ông Trường lại “từ chối”.
Liên quan tới việc ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường mua đất lâm nghiệp và xây dựng công trình vi phạm pháp luật, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông để có thông tin từ ông, nhưng ông Kiên cáo bận và không trả lời đề nghị của PV.