Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ai tiếp tay "lâm tặc"?

(16:36:38 PM 01/05/2018)
(Tin Môi Trường) - Hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng bị phát hiện trong thời gian qua đều do sự thờ ơ của lực lượng chức năng, thậm chí là chính kiểm lâm tiếp tay cho "lâm tặc"

Tại tỉnh Quảng Nam, thời gian qua liên tục xảy ra các vụ phá rừng quy mô lớn khiến dư luận hết sức bức xúc. Một điểm khá trùng hợp là hầu hết các vụ phá rừng mà cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm thường liên quan đến lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.


Bảo kê
 
Điển hình như vụ phá rừng pơmu cổ thụ tại khu vực biên giới, giáp ranh giữa huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông - Lào, người bảo kê phá rừng là Lê Xuân Chính, đại úy - nguyên Phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang (huyện Nam Giang). Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 2 Bộ đội Biên phòng, Chính có quan hệ thân thiết với Tiêu Hồng Tư, Giám đốc Công ty CP Minh Hà (TP Đà Nẵng) và biết Tư đang cần tìm gỗ để khai thác nên đã liên hệ, móc nối với Nguyễn Văn Quang (SN 1982; ngụ huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) phá rừng.
 
Hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng
Hiện trường vụ phá rừng lim cổ thụ tại lâm phận rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) Ảnh: TRẦN THƯỜNG
 
Tháng 5-2016, khi nhận được quy cách xẻ gỗ và tiền từ Tư, Quang thuê nhóm người từ Quảng Bình vào khai thác gỗ pơmu trái phép tại khu vực biên giới - nơi được kiểm soát nghiêm ngặt, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Từ tháng 6 đến 7-2016, các bị cáo đã khai thác trái phép 41 cây gỗ pơmu (loại nhóm 2A, thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp) với hơn 53 m3, giá trị thiệt hại hơn 3,2 tỉ đồng. Sau khi vụ việc bị phát hiện, Chính gọi điện cho Quang yêu cầu cho nhóm khai thác rút khỏi hiện trường, sau đó liên hệ với Tư bố trí để Quang trốn sang Lào.
 
Trước đó, cuối năm 2016, TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù đối với 7 kiểm lâm liên quan đến vụ phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (giáp ranh tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng). Theo cáo trạng, năm 2013, biết rừng Cà Nhông có nhiều gỗ kiền kiền nên Vũ Văn Tam (ngụ tỉnh Quảng Nam) thuê người vào khai thác trái phép 104 cây với khối lượng hơn 100 m3. Để đưa người vào rừng, Tam gặp Phạm Phú Cường, nguyên Trưởng Trạm Bảo vệ rừng Cà Nhông, "làm luật". Theo đó, mỗi xe gỗ đưa ra khỏi rừng, Tam trích 5 triệu đồng cho trạm "cải thiện". Sáu người khác tại trạm gồm 2 phó trạm, 2 cán bộ bảo vệ rừng và 2 kiểm lâm viên cũng đồng ý. Sau khi mua chuộc lực lượng bảo vệ rừng, Tam gặp Đỗ Văn Lưu (SN 1967, quê tỉnh Ninh Bình) và Vũ Văn Quý (SN 1979, quê tỉnh Ninh Bình), yêu cầu thuê người vào rừng trực tiếp khai thác gỗ trái phép cho mình.
 
Thờ ơ
 
Còn vụ phá rừng tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk vào giữa tháng 3 vừa qua cho thấy sự thờ ơ đến khó hiểu của chính lực lượng kiểm lâm giữ rừng.
 
Theo ông Nguyễn Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Cư Bông (huyện Ea Kar), ngày 15-3, lực lượng trinh sát của xã phát hiện nhiều đối tượng mang cưa lốc, xe vào rừng để khai thác gỗ nên báo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar và chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Đến chiều tối 17-3, trinh sát báo về cho biết các đối tượng đang vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng nên ông tiếp tục gọi điện đề nghị lực lượng kiểm lâm và chủ rừng phối hợp vây bắt. Tuy nhiên, những lực lượng này không có mặt nên ông Vỹ xin ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND huyện và trực tiếp cùng lực lượng công an, dân quân tự vệ bắt giữ 2 xe công nông độ chế và hàng chục khối gỗ.
 
"Tôi cho quân đi phối hợp với lực lượng liên ngành nhưng đi sao về vậy, tay trắng hết. Khi lực lượng xã đi độc lập thì mới có kết quả. Lực lượng xã đã bắt được nhiều vụ chứ không riêng vụ này" - ông Vỹ nói.
 
Mới đây, sáng 22-4, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã phát hiện một số đối tượng đang vận chuyển trái phép 8 lóng gỗ tại khu vực giáp ranh giữa tiểu khu 540 và 544. Ngay sau đó, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã điện báo cho lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar đề nghị cử lực lượng phối hợp vì công ty không đủ thẩm quyền. Lần lữa mãi đến chiều, kiểm lâm mới đến hiện trường. Khi đó, "lâm tặc" đã trút gỗ xuống suối, ung dung rút khỏi rừng.
 
Khó tin hơn, tại tỉnh Gia Lai, ngày 20-1-2017, lực lượng chức năng huyện Chư Pah đã phát hiện 73 lóng gỗ tại Tiểu khu 174, thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah. Sau khi được giao bảo vệ số gỗ tang vật này cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah thì bị mất 45 lóng gỗ. Các nhân viên khai số gỗ bị nhiều đối tượng dùng súng cướp đi. 
 
Không có vùng cấm trong xử lý
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp báo cáo các địa phương, giai đoạn 2012-2017, diện tích rừng thiệt hại do bị phá trái pháp luật là 4.218 ha. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng, diện tích bị thiệt hại là 910 ha.
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới", diễn ra giữa tháng 10-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trách nhiệm bảo vệ, giữ rừng phải ngấm vào cả hệ thống chính trị, coi phá rừng là việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải nghiêm trị. "Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết rừng bị phá. Cần xác định kỷ cương, kỷ luật, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm" - Thủ tướng kiên quyết.
Giàu lên sau khi… đóng cửa rừng!
 
Ngày 30-4, đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông vẫn đang tiếp tục điều tra đường dây khai thác, vận chuyển gỗ lậu do Phan Hữu Phượng (Phượng "râu"; ở thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cầm đầu.
 
Phượng "râu" quê Hà Tĩnh, vào huyện Cư Jút sinh sống năm 1998, không nghề nghiệp. Khoảng năm 2013, sau khi Chính phủ có lệnh "đóng cửa rừng" lần thứ nhất thì Phượng "râu" bắt đầu làm ăn khấm khá. Nhờ quan hệ tốt mà gỗ vẫn chở về xưởng của ông ta nườm mượp. Những năm gần đây, ở xưởng phía sau nhà Phượng "râu" lúc nào cũng nuôi gần 10 thợ chuyên làm thủ công mỹ nghệ từ gỗ. Đặc biệt, có một "đội quân" được Phượng "râu" nuôi ăn ở, trả lương tháng hơn 10 triệu đồng để chuyên đi khai thác gỗ.
(Theo NLĐ)