(Tin Môi Trường) - Ngày 27/4, tại Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành viên Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh hoạ: IE
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 17/11/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ soạn thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh đã cử cán bộ đầu mối tham gia xây dựng Chương trình hành động tổng thể.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, mục đích của Chương trình hành động tổng thể là nhằm xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong từng giai đoạn để các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, dự án, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đã được Nghị quyết số 120/NQ-CP đề ra.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố đã nêu nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp khắc phục vướng mắc tại địa phương. Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, dự thảo về chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập phát triển hài hòa các tiểu vùng sinh thái của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tận dụng hầu hết các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, chương trình đã nêu và hình thành được cơ chế chính sách riêng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng cần rà soát để tránh trùng lặp, dành nguồn lực thực hiện cho giai đoạn sau 2020 đến năm 2030. Ông Đào Anh Dũng đề xuất, để thực hiện hiệu quả chương trình hành động, cần tham khảo các tổ chức phi chính phủ, những đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Hà Lan. Đồng thời, cần tăng cường vai trò liên kết của các địa phương trong vùng thông qua hoạt động của Ủy hội Sông Mê Kông và thành lập Quỹ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng đề nghị, cần cập nhật sớm các thông tin về biến đổi khí hậu cho các địa phương. Theo ông Hùng, các bộ, ngành cần sớm cập nhật thông tin, các kịch bản ứng phó để địa phương nắm rõ. Đây là những vấn đề bức xúc nhất, liên quan đến việc phát triển bền vững của vùng, giúp các địa phương cập nhật để sớm đưa ra các phương án ứng phó và phát triển bền vững vùng...
Là địa phương chịu tác động khá mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, cụ thể là tình trạng sạt lở, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng trong tổng số 55 công việc nằm trong Chương trình tổng thể của Nghị quyết 120, cần phải xem lại tính hợp lý, logic về mặt thời gian đối với các việc này. Trong đó, cần tính tới việc xây dựng các thương hiệu quốc gia của vùng về 3 sản phẩm chính là lúa, trái cây và cá.
Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của đất nước; đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long dù có nhiều cơ hội song cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Những thách thức từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự báo...