Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tin môi trường: FOUR PAWS giải cứu 2 cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng ở Ninh Bình Tin ảnhTin video

(08:51:37 AM 27/04/2018)
(Tin Môi Trường) - Những đau đớn về thể chất và tinh thần của gấu May và gấu Bình Yên khi phải sống trong những chuồng sắt chật hẹp của trại nuôi gấu tư nhân ở tỉnh Ninh Bình trong nhiều năm qua cuối cùng cũng có hồi kết.

Ngày 26 tháng 4, tại phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình, FOUR PAWS, tổ chức phúc lợi động vật, đã giải cứu hai cá thể gấu đen châu Á từ những cũi sắt chật chội và đưa về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình – mái nhà mới của hai cá thể. May và Bình Yên là hai cá thể gấu cuối cùng bị nuôi nhốt tại trại nuôi gấu tư nhân ở tỉnh Ninh Bình. Giải phóng 2 cá thể gấu này, Ninh Bình trở thành tỉnh hoàn toàn không còn tình trạng gấu nuôi nhốt.

 

FOUR PAWS giải cứu 2 cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng ở Ninh Bình

May và Bình Yên là hai cá thể gấu cuối cùng bị nuôi nhốt tại trại nuôi gấu tư nhân ở tỉnh Ninh Bình

 
May và Bình Yên hiện đang được các bác sĩ thú y và các nhân viên chăm sóc gấu của FOUR PAWS chăm sóc tích cực tại khu cách ly của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Cả hai đều có những vấn đề về sức khỏe vì bị lạm dụng trong trại nuôi gấu lấy mật trong suốt 13 năm. Bác sĩ thú y, tiến sĩ Johanna Painer  cho biết:”Siêu âm cho thấy túi mật và gan của gấu Bình Yên đã thay đổi đáng kể. Vết sẹo ở ngay phía bên ngoài của túi mật cho thấy rõ là cá thể gấu này đã bị lạm dụng lấy mật. Thật đáng buồn là sức khỏe của gấu Bình Yên đang trong tình trạng nguy kịch.”
 
Trong suốt 15 năm qua, May và Bình Yên bị nhốt cùng với 10 cá thể gấu khác trong những chiếc chuồng sắt chật hẹp tại 1 trại gấu tư nhân ở Ninh Bình. Chín trong tổng số 10 cá thể  này đã chết tại trại gấu này. Cá thể gấu duy nhất đã được FOUR PAWS giải cứu và đưa về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình từ năm 2017 là gấu Hai Chân – cá thể gấu bị mất 2 bàn chân trước. Số phận đáng buồn của Hai Chân và cuộc giải cứu thành công cô gấu này đã khiến cho hàng triệu người yêu động vật trên toàn thế giới xúc động. Cũng như Hai Chân, sau thời gian cách ly và làm quen với ngôi nhà của gấu khoảng 5 tuần, May và Bình Yên lần đầu tiên sẽ được chạm da thịt vào mặt đất mềm mại của khu sân chơi bán tự nhiên trong Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Cho đến thời điểm này, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã trở thành mái nhà của 6 cá thể gấu đã từng bị nuôi nhốt để lấy mật, bao gồm gấu May, Bình Yên và Hai Chân.
 
Nói về nỗ lực của FOUR PAWS trong hoạt động giải cứu và bảo vệ phúc lợi động vật, ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm Ninh Bình cho biết: ”Lãnh đạo địa phương đánh giá rất cao vai trò của FOUR PAWS trong công tác hỗ trợ tỉnh Ninh Bình giải cứu các cá thể gấu nuôi nhốt trên địa bàn. Chúng tôi tin tưởng rằng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình sẽ là nơi các cá thể gấu được chăm sóc và hưởng phúc lợi tốt nhất.”
 
Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia ở châu Á đã có các văn bản pháp luật để ngăn chặn nạn nuôi gấu lấy mật. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật trên thực tế còn nhiều bất cập. Ông Kieran Harkin, Trưởng nhóm các chiến dịch vận động phúc lợi động vật quốc tế của tổ chức FOUR PAWS cho biết:”Chúng tôi rất vui vì có thể hợp tác với chính quyền địa phương chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật ở tỉnh Ninh Bình. Nhưng cũng thật đáng buồn là nạn trích hút mật gấu vẫn đang xảy ra tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Hiện Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình vẫn còn chỗ cho 38 cá thể gấu có nhu cầu chăm sóc tại đây. Cùng với sự ủng hộ của hàng trăm nghìn người bạn yêu động vật, chúng tôi rất mong muốn chính phủ Việt Nam hành động quyết liệt để thực hiện quyết tâm đóng cửa các trại nuôi nhốt gấu vẫn đang hoạt động trên đất nước Việt Nam.”
 
FOUR PAWS giải cứu 2 cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng ở Ninh Bình
 
Hoạt động kinh doanh mật gấu vẫn còn tồn tại
 
Mật gấu đã được sử dụng như một phương thuốc cho các bệnh nhiễm trùng mắt, các vết bầm tím, các bệnh về đường tiêu hóa và các căn bệnh khác trong y học cổ truyền Trung Quốc từ vài nghìn năm. Cho dù các danh y Trung Hoa vẫn còn nghi ngờ về công dụng của mật gấu và cho rằng còn có nhiều vị thuốc, cây thuốc có công dụng tốt hơn thì mật gấu vẫn đang là sản phẩm được săn lùng ở nhiều nước châu Á. Tại Việt Nam, các hành vi sở hữu, mua bán và tiêu thụ mật gấu đều bị nghiêm cấm từ năm 2005, tuy vậy hiện vẫn có 936 cá thể gấu đang tiếp tục chịu đựng đau đớn ở các trại nuôi nhốt. Nhiều chủ trại vẫn tiếp tục trích hút mật gấu và kinh doanh mật gấu bất hợp pháp. Các hoạt đồng vẫn đang diễn ra trên các đường phố, trong các cửa hiệu thuốc đông y và thậm chí trên mạng internet. 
 
Từ năm 2005, chính phủ đã khởi xướng chiến dịch đóng cửa hoàn toàn các trại gấu nuôi lấy mật. Theo đó, tất cả các cá thể gấu bị nuôi giữ phải được đăng ký và gắn chíp nhằm đảm bảo không phát sinh các cá thể gấu mới. Điều này đồng nghĩa với việc các cá thể gấu đã được đăng ký và gắn chíp thuộc quyền quản lý của Nhà nước và các chủ trại gấu có thể chăm sóc chúng cho đến khi chúng được chuyển giao cho một cơ sở cứu hộ hoặc bảo tồn gấu hoặc chết theo lẽ sinh thuận tự nhiên. Các chủ  trại cũng phải cam kết không được phép trích hút mật gấu. Năm 2017, chính phủ Việt Nam tái khẳng định lại cam kết và quyết tâm đóng cửa các trại nuôi gấu vào năm 2023. Tổ chức FOUR PAWS hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của chính phủ trong việc thực hiện các hoạt động giải cứu gấu cũng như trong việc khởi xướng một chiến dịch vận động mang tính quốc tế.
Trên đường link www.saddestbears.com/Vietnam những người yêu động vật trên toàn thế giới có thể ký vào bản kiến nghị để khuyến khích chính phủ Việt Nam thực hiện bất cứ hành động nào nhằm chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật. Tổ chức FOUR PAWS đặt mục tiêu sẽ trao cho chính phủ chữ ký của 1 triệu người Việt Nam. Đến thời điểm này đã có hơn 750.000 chữ ký được thu thập.
PHƯƠNG KHANH - Nguồn ảnh:Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã nước Việt