(Tin Môi Trường) - Người một mình đạp xe xuyên Việt để kết nối với nhiều bạn trẻ cùng nhau nhặt rác, người sáng lập tổ chức kêu gọi mọi người cùng tái chế, giảm thiểu rác nhựa... nhiều bạn trẻ thầm lặng với công việc có ích cho môi trường nhưng không đòi hỏi một đồng thù lao.
Thủy (trái) trong nhiều lần gom rác cùng các bạn tại Hà Nội - THIÊN HÀ
Luôn nghĩ đến sách và rác
Chúng tôi gặp Bùi Thị Thủy (27 tuổi), quê ở Nam Định, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội giữa Sài Gòn một ngày tháng 4, khi cô vào đây gặp gỡ những người bạn cùng tâm huyết nhặt rác giống mình. Cô gái trẻ duy trì thói quen nhặt rác ở nhiều khu vực công viên, hồ nước, trường học… tại Hà Nội hơn 3 năm qua đã kết nối được đông đảo bạn trẻ cùng chí hướng làm cho môi trường xanh, sạch hơn. Từ nhiều năm trước, họ cùng nhau lập ra nhóm “Book Ambassadors” để có thể truyền cảm hứng cho mọi người về hai chuyện lớn: rác và sách. Gom rác ở những nơi công cộng và góp sách cho trẻ em ở nhiều miền quê nghèo.
“Chúng tôi thường thực hiện các buổi thu dọn rác vào cuối tuần, trước đó tôi viết lên Facebook là ai có thể tham gia cùng mình thì mang bao tải, găng tay đến địa điểm tập trung. Sau đó, mọi người cùng gom rác, đưa đến các xe tập kết”, Thủy nói.
Hành trình đáng nhớ của Thủy có lẽ là chuyến đạp xe xuyên Việt một mình, từ Hà Nội tới Cà Mau (từ ngày 22.10.2016 - 1.1.2017), dừng chân ở tổng cộng 24 tỉnh thành, để nhặt rác và kêu gọi mọi người cùng nhặt rác.
Thủy cho biết trong tổng cộng 70 ngày cô chi tiêu khoảng 3 triệu đồng nhưng có những trải nghiệm không dễ quên với những bạn trẻ khắp mọi nơi. Để có những buổi nhặt rác thành công, Thủy nhờ sự giúp đỡ của Đoàn thanh niên các địa phương, sau đó từ sự tư vấn của dân địa phương, Thủy và mọi người biết đâu là điểm nóng của rác thải và cùng tới đó. Thủy cho biết không chỉ dọn được số lượng lớn rác, việc làm của các bạn tác động vào ý thức của người dân để họ thay đổi thói quen xả rác.
Mới đây, Thủy và những người bạn vừa có chuyến thực địa dài ngày tại vùng biển Quảng Ngãi, nơi mà người dân chưa có thói quen phân loại rác và thường xả rác xuống biển. “Chúng tôi phân tích và hướng dẫn để bà con nơi đây nhận thức tốt hơn”, cô gái dành cả thanh xuân cho rác mà không đòi hỏi gì chia sẻ.
Những ngón tay xanh VN
Trần Diễm Phúc, 25 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học môi trường, Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội, đang làm việc tại TP.HCM lúc nào cũng bị ám ảnh về cốc nhựa, ống hút vứt ở lề đường, túi ni lông bay lơ lửng hay những túi rác dồn đống không phân loại. Phúc tham gia lĩnh vực quản lý rác thải được vài năm nay, chính những lần đi thực địa xem các bãi rác, cơ sở xử lý rác, cô càng trăn trở, đến bao giờ số rác nhựa trên mới được phân hủy, rồi cuộc sống của người nghèo sống gần bãi rác ra sao khi người ta chôn lấp rác không đúng cách, nước rỉ rác độc hại cứ thế phát sinh...
Phúc thành lập nhóm Green Fingers Vietnam (Những ngón tay xanh VN) hơn 2 năm trước, đến nay thu hút hơn 200 thành viên, phần lớn là sinh viên ở 3 tỉnh thành Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh. Tổ chức của Phúc tập trung giáo dục các em nhỏ từ mẫu giáo đến cấp 2 hành động để sống xanh như phân loại rác, giảm thải rác, để rác đúng chỗ, kể cho các em nhỏ câu chuyện về hậu quả của việc thải rác ra môi trường, tổ chức các buổi dạy làm đồ tái chế với cốc dùng một lần, ống hút, lõi giấy vệ sinh...
Tham gia các hoạt động vì môi trường hoàn toàn không lợi nhuận, tuy nhiên với Phúc đó là những trải nghiệm vô cùng quý giá cho định hướng của cô là quản lý rác thải. “Điều khiến tôi tự hào nhất là nhiều bạn lúc đầu chưa thực sự sống xanh nhưng sau khi tham gia nhóm một thời gian đã thay đổi cách nhìn nhận. Các bạn vừa vui vẻ làm tình nguyện, vừa thay đổi hành động của mình như tái chế túi ni lông, không dùng ống hút nhựa, trồng thêm cây xanh, ăn chay thực dưỡng… để hạnh phúc trong cuộc sống”, Phúc chia sẻ.