Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tin môi trường:Tọa đàm "Giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng"

(19:00:33 PM 21/04/2018)
(Tin Môi Trường) - Nằm trong chuỗi sự kiện về môi trường và phát triển bền vững nhằm hưởng ứng Ngày Trái đất 2018, chiều 21/4, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live &Learn) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) tổ chức Tọa đàm “Giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng”.

Tin môi trường:Tọa đàm "Giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng"

 

Hiện nay, Việt Nam là nước sử dụng năng lượng truyền thống như than đá, dầu mỏ…khá phổ biến. Điều này góp phần đáng kể gây ra ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trước tình hình đó, các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo và giải pháp năng lượng bền vững được thực hiện trên toàn quốc thông qua các chương trình của Chính phủ và của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tư nhân đang được tăng cường. 
 
Tại tọa đàm, đại diện các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các đơn vị kỹ thuật cung cấp giải pháp về mô hình năng lượng bền vững đã thảo luận và giới thiệu những mô hình năng lượng bền vững, quy mô nhỏ như: Mô hình điện gió từ những vật liệu tái chế giá rẻ dành cho cộng đồng dân cư ở khu vực bãi giữa sông Hồng; mô hình bếp cải tiến dành cho cộng đồng ở nông thôn, miền núi và Hà Nội; mô hình áp dụng năng lượng bền vững như máy lọc không khí chạy bằng năng lượng mặt trời và chuyển xe đạp thường thành xe đạp điện…đã được triển khai và ứng dụng thành công tại cộng đồng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. 
 
Những giải pháp này gắn liền với nhu cầu của cộng đồng và đã giải quyết các vấn đề về nhu cầu và hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời ghi nhận những thay đổi tích cực trong chính cộng đồng, kể cả việc thay thế bếp than tổ ong. 
 
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thế hệ xanh cho rằng, hiện bếp đun truyền thống có hại cho sức khoẻ và môi trường, do vậy, thời gian tới cần thay thế bằng bếp cải tiến và phổ biến rộng rãi việc sử dụng bếp cải tiến tới cộng đồng ở nông thôn, miền núi và tại Hà Nội. Theo đó, mô hình bếp cải tiến xanh tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ sức khỏe người dùng và môi trường. Loại bếp sinh khối sử dụng công nghệ khí hóa, có nhiên liệu đốt các phụ phẩm nông nghiệp (trấu, mùn cưa,...) hoặc tận dụng từ rác thải sẵn có, ít khói và tạo than sinh học sẽ tiết kiệm 50-60% củi đun và giảm một tấn khí thải CO2 mỗi năm, 40% khí CO và 85-90% bụi PM 2.5. 
 
Theo anh Lê Vũ Cường, đại diện nhóm dự án Điện gió Sông Hồng, Công ty Kiến trúc Nội Thất Xanh 1516, trong tương lai cần xây dựng những dự án phi lợi nhuận (xây dựng mô hình điện gió từ những vật liệu tái chế giá rẻ từ những chậu nhựa thải...) dành cho các hộ ven sông Hồng không thể mắc điện lưới, chịu ảnh hưởng nặng từ thiên tai có thể thắp sáng điện từ năng lượng gió, cụ thể dưới mô hình chong chóng gió tạo điện năng. 
 
Ngoài ra, đại diện Trung tâm Phát triển Sáng Tạo Xanh (GreenID) cũng đề xuất dự án thúc đẩy những lợi ích về kinh tế - xã hội trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, trong đó có các hoạt động cung cấp kiến thức liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu đến các nhà hoạch định chính sách và những đối tác địa phương. 
 
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia về môi trường, để không làm gia tăng ô nhiễm môi trường do nguồn phát thải từ các chất đốt gây ra từ các bếp than tổ ong, đốt sinh khối từ nông nghiệp…, người dân nên tận dụng, sử dụng năng lượng sẵn có như năng lượng gió, mặt trời... bởi máy lọc không khí chạy hoàn toàn từ năng lượng mặt trời sẽ giúp giải quyết hai vấn đề như: Trực tiếp gạn lọc, gia tăng chất lượng không khí và gián tiếp qua việc sử dụng nguồn năng lượng sạch, bền vững. 
 
Từ những chia sẻ và thảo luận của các diễn giả, những người tham gia tọa đàm đã hiểu sâu sắc hơn về những vấn đề năng lượng cộng đồng đang gặp phải, những giải pháp năng lượng đã và đang được thực hiện; những câu chuyện về khó khăn, thách thức khi làm việc với cộng đồng cũng như những thành quả trong quá trình triển khai mô hình năng lượng bền vững này.
Diệu Thúy -TTXVN