Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tin môi trường: Nỗ lực thực hiện việc cảnh báo sớm để hạn chế rủi ro thiên tai

(21:44:30 PM 20/04/2018)
(Tin Môi Trường) - Ngày 20/4, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai năm 2017; triển khai kế hoạch năm 2018.

Tin môi trường: Nỗ lực thực hiện việc cảnh báo sớm để hạn chế rủi ro thiên tai

Ảnh minh hoạ: IE

 

Theo ông Hoàng Đức Cường, Phụ trách Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, xu thế thiên tai mùa mưa, bão, lũ năm 2018, hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy xu hướng tăng nhanh của nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4. Theo đó hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ khoảng tháng 6/2018 và duy trì trạng thái này cho đến hết năm 2018. 
 
Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới  hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2018 có khả năng tương đương so với  trung hình nhiều năm, cụ thể sẽ có khoảng 12 - 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và khoảng 4 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Thời kỳ đầu mùa, bão và áp thấp nhiệt đới  có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với  trung bình nhiều năm ở khu vực phía Bắc Biển Đông và xu hướng sẽ dịch dần về phía nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ. 
 
Nhiệt độ trung bình trong các tháng mùa mưa bão của năm 2018 trên toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm. Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt như trong năm 2017. 
 
Cụ thể, tại khu vực Bắc Bộ, lũ tiểu mãn và mùa lũ chính vụ năm 2018 có khả năng xuất hiện đúng chu kỳ trung bình nhiều năm . Đỉnh lũ lớn nhất năm ở các sông thượng lưu hệ thống sông Hồng có khả năng ở mức báo động 2- báo động 3, phổ biến thấp hơn năm 2017; hạ lưu tại Hà Nội thấp hơn báo động 1 từ 1 - 2m. Đỉnh lũ năm thượng lưu hệ thống sông Thái Bình ở mức báo động 2 - báo động 3, hạ lưu tại Phả Lại ở mức báo động1, phổ biến cao hơn năm 2017. Đặc biệt, các sông suối nhỏ trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, đỉnh lũ có khả năng vượt mức báo động 3. Lũ quét và sạt lở đất tiếp tục có nguy cơ xảy ra tại nhiều tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc, đặc biệt khu vực phía Tây Bắc Bộ. 
 
Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, mùa khô năm 2018, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, trên nhiều sông suối mực nước sẽ xuống thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc, khô hạn cục bộ tiếp tục diễn ra tại một số địa phương thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Tình hình xâm nhập mặn ở Nam Bộ trong mùa khô ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và tương đương năm 2016 - 2017. Lũ tiểu mãn có khả năng xuất hiện trên các sông ở Bắc Trung Bộ đúng chu kỳ, các sông ở khu vực Tây Nguyên xuất hiện lũ nhỏ vào nửa cuối tháng 5. Mùa lũ năm 2018, trên các sông ở khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm hơn  trung bình nhiều năm, các sông ở Trung Bộ phù hợp quy luật hàng năm. 
 
Đỉnh lũ năm 2018, trên các sông ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh ở mức báo động 1 - báo động 2, xấp xỉ đỉnh lũ  trung bình nhiều năm ; các sông từ Nghệ An, Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3, tương đương trung bình nhiều năm; trên một số sông suối nhỏ và thượng lưu các sông nhiều khả năng xuất hiện lũ lớn cùng với đó là nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.Trên sông Mê Kông mùa lũ khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, đến cuối tháng 7, mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc dao động ở mức 2,5 - 2,7m. Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. 
 
Trong năm 2018, tại khu vực ven biển Nam Bộ triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày đầu của tháng 10, 11 và trung tuần của tháng 12. Tại ven biển Nam Trung Bộ (Phú Yên, Phan Thiết) nguy cơ triều cường cao tập trung vào tháng giữa 11 và 12. Nguy cơ nước dâng do bão và sóng lớn vẫn sẽ tập trung ở ven biển Trung Bộ. Trong các tháng cuối năm 2018 khả năng sẽ có sóng lớn 3 - 4m tại khu vực ven biển các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh. 
 
Trong năm 2018, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn xác định việc dự báo, cảnh báo sớm xuất hiện  của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ trái mùa ở phía Nam và sau đó là mưa lũ tập trung trong các tháng 6, 7, 8 ở phía Bắc; ảnh hưởng tập trung của bão mạnh ở Trung Bộ; mưa lũ phức tạp, liên tục trong nửa cuối năm ở Trung Bộ; theo dõi cảnh báo về khả năng lũ sớm, lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó chú trọng việc dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng và chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai phục vụ công tác phòng chống. 
 
Đặc điểm nổi bật trong công tác dự báo, cảnh báo năm 2018 là việc cảnh báo sớm; nâng thời hạn dự báo, cảnh báo sớm bão đến 5 ngày, áp thấp nhiệt đới đến 3 ngày và cảnh báo mưa lớn, lũ lớn trước 1 - 2 ngày. 
 
Tin môi trường: Nỗ lực thực hiện việc cảnh báo sớm để hạn chế rủi ro thiên tai
 
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới - WMO, thực tế cảnh báo sớm là một yếu tố chính trong giảm nguy cơ thiên tai. Nó có thể ngăn ngừa thiệt hại về mạng sống và làm giảm tác động kinh tế và vật chất của thiên tai. Trong đó chú trọng về việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai. Để hiệu quả, các hệ thống cảnh báo sớm cần phải có sự tham gia của người dân và cộng đồng, kết hợp với đẩy mạnh nâng cao nhận thức về rủi ro thiên tai, để luôn đảm bảo trạng thái chuẩn bị sẵn sàng ứng phó. 
 
Toàn hệ thống dự báo, cảnh báo  khí tượng thuỷ văn quốc gia sẽ triển khai dự báo thời tiết chi tiết cho từng địa điểm thời hạn đến 10 ngày (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia thực hiện cho 63 điểm đại diện cho đơn vị cấp tỉnh, các Đài khí tượng thuỷ văn khu vực và Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh thực hiện cho các điểm đại diện cho đơn vị cấp huyện). 
 
Khắc phục tối đa các hạn chế trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thuỷ văn đã được phân tích ở trên đồng thời với việc tăng cường trao đổi thống nhất việc chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai trong các bản tin dự báo, cảnh báo từ Trung ương đến địa phương. 
 
Để làm tốt hơn công tác Khí tượng Thuỷ văn trong thời gian tới, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn đề nghị: Về mặt hành lang pháp luật, Luật phòng chống thiên tai năm 2013 đã quy định nhiệm vụ xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai, theo dõi, giám sát thiên tai và giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện đối với thiên tai khí tượng thủy văn. 
 
Bên cạnh đó, Luật khí tượng thủy văn năm 2015 cũng đã quy định việc phải tiến hành lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch của các Bộ, ngành, địa phương. Để bảo đảm đủ thông tin, dữ liệu giúp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, cần thiết phải có việc nghiên cứu, đánh giá từ đó đề xuất quy định pháp lý phù hợp, đồng bộ giữa nội dung lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu với việc xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai, theo dõi, giám sát thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 
 
Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, số 44/2014/QĐ-TTg quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai đã ban hành quy định nhiệm vụ dự báo các loại thiên tai  khí tượng thuỷ văn  và cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai khí tượng thuỷ văn. Tuy nhiên, trong hơn 3 năm áp dụng, hai văn bản này tồn tại một số hạn chế và chưa phù hợp với thực trạng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn cũng như cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai khí tượng thuỷ văn. Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg cần được rà soát, đề xuất điều chỉnh các bất cập để phù hợp với thực tiễn đặt ra. 
 
Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên nước đề xuất, điều chỉnh các bất cập của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông đảm bảo phù hợp với thực tiễn; phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan trao đổi, hợp tác với các quốc gia, tổ chức trong khu vực để chia sẻ thông tin về khí tượng thuỷ văn , vận hành hồ chứa trên các sông suối xuyên biên giới nhằm chủ động trong phòng chống thiên tai; tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn  trong điều kiện bình thường và dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thuỷ văn. 
 
Là cơ quan có nhiệm vụ dự báo, cảnh báo phục vụ phòng chống thiên tai, những năm qua, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) được nhà nước quan tâm đầu tư nên thu được những kết quả đáng kể. Cơ sở vật chất và trang thiết bị đang từng bước được hiện đại hóa ngang tầm các nước trong khu vực. Thiết bị hiện đại và công nghệ dự báo mới đã được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo về khí tượng thuỷ văn cả về nội dung và hình thức. 
 
Tuy nhiên, như ý kiến của ông Petteri Taalas (Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới - WMO) trong buổi làm việc với Lãnh đạo Chính phủ vào cuối tháng 2/2018 đã nhấn mạnh “Đầu tư 1 đồng cho ngành khí tượng thủy văn nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sớm sẽ tiết kiệm khoảng 20 đến 25 đồng cho xã hội so với việc ứng phó và khắc phục hậu quả khi thiên tai đã xảy ra”. Trên cơ sở thực tiễn và những ý kiến đóng góp như vậy, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn  kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư mới và tăng nguồn lực duy trì hoạt động  ổn định của các hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo, truyền tin khí tượng thuỷ vănđã được đầu tư, cụ thể: tăng số lượng điểm đo mưa để đảm bảo mật độ từ 40-120km2/điểm (trước mắt cần đạt mật độ trung bình khoảng 80km2/điểm); ưu tiên hiện đại hóa và vận hành ổn định hệ thống ra đa thời tiết trên toàn quốc; tăng cường số liệu đo bão trên biển với hệ thống các trạm phao, lắp đặt các trạm đo trên giàn khoan, cột BTS của các mạng viễn thông... Ưu tiên tăng cường số liệu quan trắc ở các trạm tiền tiêu đón bão trên biển. Trong tương lai, xem xét đến khả năng bay thám sát bão bằng máy bay hoặc tên lửa nhằm xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển và cường độ của bão chính xác hơn. 
 
Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cũng kiến nghị tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số; hệ thống dự báo thời tiết, thiên tai khí tượng thuỷ văn dựa trên công nghệ trí tuệ thông minh và kỷ nguyên dữ liệu lớn (big data); mô hình dự báo bão chuyên dụng của Việt Nam; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. 
 
Tại hội nghị này các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ, đề xuất các giải pháp giúp thực hiện tốt hơn nữa công tác dự báo khí tượng thuỷ văn trong thời gian tới.
Thắng Trung - TTXVN