(Tin Môi Trường) - Trước dự báo khô hạn và xâm nhập mặn gây gắt trong mùa khô 2018 , các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt, sản xuất cho hơn 10 triệu dân của thành phố.
Ảnh: TL
Về thực trạng mùa khô và xâm nhập mặn năm 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sỹ Đặng Hòa Vĩnh, Trưởng Phòng Tài nguyên Nước - Viện Địa lý tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết: Đối với khu vực miền Nam bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, cao điểm mùa khô năm 2018 diễn ra từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5. Do biến đổi khí hậu, khô hạn và xâm nhập mặn ở Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2018 sẽ căng thẳng và nghiêm trọng như đối với năm 2015 - 2016
Trong khi đó, theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bá, chuyên gia nghiên cứu môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh giáp biển và chịu tác động lớn của thủy triều, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhất là ở cửa biển như sông Đồng Tranh, Nhà Bè, cửa Ghềnh Rái, tình hình xâm nhập mặn sẽ gây ra tác động lớn. Xâm nhập mặn có thể diễn ra gay gắt ở sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Văn Thánh, Vàm Thuật; có thể theo kênh Thầy Cai ảnh hưởng đến huyện Củ Chi.
Cũng như xâm nhập mặn, tình trạng khô hạn trong mùa khô năm 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ gây thiếu nước ngọt trong tưới tiêu, chăn nuôi, sinh hoạt ở huyện Nhà Bè, Quận 7, Thủ Đức, huyện Củ Chi, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt nguyên liệu của các nhà máy nước.
Trước khả năng xâm nhập mặn có thể xảy ra gay gắt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên (SAWACO) đã sẵn sàng các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, đảm bảo việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Ông Trần Hưng Thành, Phó Phòng Kỹ thuật công nghệ, SAWACO cho biết: Tổng Công ty sẽ phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa và Công ty Thủy điện Trị An để thông báo tình hình xâm nhập mặn và yêu cầu hỗ trợ xả đẩy mặn kịp thời. Tổng Công ty tiếp tục phối hợp với các đơn vị bán sỉ nước sạch trong việc điều phối vận hành, tăng cường sản lượng nước để bổ trợ khi cần thiết.
Theo ông Trần Hưng Thành, Tổng Công ty thực hiện giám sát chặt chẽ, liên tục diễn biến chất lượng nước, trong đó có theo dõi online độ mặn và các chỉ tiêu khác tại các vị trí khai thác nước thô, giúp cảnh báo sớm xâm nhập mặn, ứng phó kịp thời. Đơn vị cũng có các phương án điều phối vận hành các nhà máy nước và mạng lưới cấp nước để bảo đảm cung cấp nước sạch đầy đủ, liên tục đến người sử dụng. Theo đó, khi cần thiết có thể tăng sản lượng của các nhà máy nước ít bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn như Nhà máy nước Kênh Đông, Nhà máy nước ngầm Tân Phú, Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Thủ Đức 3, Nhà máy nước BOO Thủ Đức và điều tiết mạng lưới cấp nước phù hợp để hỗ trợ cấp nước cho vùng phục vụ của các nhà máy bị ảnh hưởng. Đồng thời, Tổng Công ty chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp cấp nước trong điều kiện khẩn cấp như cấp nước bằng xe bồn, cấp nước từ các giếng lẻ…
Đối với việc giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt do khô hạn trong mùa khô, ông Trần Hưng Thành cho biết: Các nhà máy nước sẽ phối hợp với ngành Điện lực nhằm đảm bảo nguồn điện cấp cho các nhà máy nước vận hành liên tục, phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng để đảm bảo chất lượng nước nguồn tại trạm bơm Hòa Phú (Nhà máy nước Tân Hiệp) và trạm bơm Hóa An (Nhà máy nước Thủ Đức). Ngoài ra, Tổng Công ty chỉ đạo các đơn vị quản lý mạng lưới chủ động kiểm tra, rà soát mạng lưới cấp nước trong phạm vi trách nhiệm quản lý của đơn vị, có phương án điều phối mạng lưới phù hợp, tiến hành các biện pháp điều tiết lượng nước nhằm tăng áp lực và lưu lượng cho các khu vực nước yếu, nhất là khu vực cuối nguồn.
Tổng Công ty cũng có giải pháp cung cấp nước bằng bồn chứa cố định, xe bồn, sà lan nhằm ứng phó với các sự cố và bổ sung thêm lượng nước phục vụ nhu cầu của người dân tại các khu vực cuối nguồn, khu vực trọng điểm. Bên cạnh đó, Tổng Công ty đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, triển khai phát triển hệ thống mạng lưới cấp nước để thay thế các giải pháp cấp nước tạm thời như cấp nước qua bồn chứa tập trung, đồng hồ tổng để đảm bảo 100% người dân sử dụng nước sạch, bố trí lịch trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, giải quyết và khắc phục các sự cố trên mạng lưới cấp nước.