Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tin môi trường: Giải pháp cho vấn nạn rác thải nhựa đang tác động nghiêm trọng đến môi trường

(21:35:34 PM 19/04/2018)
(Tin Môi Trường) - Nhằm đưa ra các giải pháp giảm thải và xử lý rác thải nhựa, một trong những loại rác thải tác động nghiêm trọng đến môi trường sống, ngày 19/4, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện Ngày Trái đất - vấn nạn rác thải nhựa, với sự tham gia của nhiều tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.

Tin môi trường: Giải pháp cho vấn nạn rác thải nhựa đang tác động nghiêm trọng đến môi trường

 
Tại sự kiện, bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Rác thải nhựa là mối đe dọa nghiêm trọng và đang tích tụ với khối lượng lớn ở các đại dương. Rác thải nhựa ở đại dương phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy sản, gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng tới môi trường sống. Trong khi đó, trên đất liền, rác thải nhựa có ở rất nhiều nơi và cũng gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống con người. 
 
Theo bà Mary Tarnowka, việc bảo vệ môi trường sống, nhất là từ rác thải nhựa là trách nhiệm của cả cộng đồng, cần hành động để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa và những biện pháp tiết kiệm, tái sử dụng rác thải nhựa. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên tổ chức các sự kiện dọn sạch rác thải ở các địa phương, nhất là rác thải nhựa để thay đổi nhận thức của người dân. 
 
Đối với lượng rác thải nhựa ở Việt Nam, bà Quách Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng) cho biết: Theo một nghiên cứu quốc tế vừa công bố, Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa bị xả ra biển mỗi năm. 
 
Bà Quách Thị Xuân đề xuất: Điều cần chú trọng thực hiện là tuyên truyền thay đổi thói quen, nhận thức của cộng đồng trong sử dụng rác thải nhựa, sử dụng tiết chế và tái sử dụng tối đa đồ dùng bằng nhựa. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính trong việc thực hiện các chương trình truyền thông cộng động cũng như thực hiện các dự án tái chế rác thải nhựa, dự án nghiên cứu sản xuất sản phẩm bằng nguyên liệu thân thiện môi trường. 
 
Bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Giám đốc Tổ chức Hành động vì Môi trường và Phát triển tại Việt Nam nhấn mạnh đến giải pháp về chính sách của Nhà nước đối với rác thải nhựa. Theo đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách giảm sản xuất đồ dùng bằng nhựa, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất đồ dùng bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường thay thế đồ dùng bằng nhựa. Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp cần cân đối giữa vấn đề kinh tế và môi trường. 
 
Theo kết quả khảo sát thành phần nhựa trong rác thải sinh hoạt của Quỹ tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường), lượng nhựa chiếm tỷ trọng cao, chỉ sau rác thực phẩm trong rác thải sinh hoạt. Ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn thành phố, trong đó 48.000 tấn chất thải nhựa xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải khác mỗi năm. Số còn lại tồn lưu, được thu mua để tái chế hoặc phát tán vào môi trường. 
 
Hiện hoạt động tái chế nhựa tại Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện bởi hai nhóm: các doanh nghiệp lớn và cơ sở tái chế nhựa vừa, nhỏ. Với công nghệ tái chế còn đơn sơ, một số cơ sở quy mô nhỏ không đạt được hiệu quả về kinh tế, môi trường, đồng thời, hiệu suất tiêu thụ năng lượng, phát thải ô nhiễm cao. Mặc dù đạt được hiệu quả kinh tế nhưng những doanh nghiệp lớn chỉ mới dùng lại ở việc tái chế các sản phẩm trong sản xuất, chưa mạnh dạn thu gom, tái chế phế liệu nhựa từ rác sinh hoạt vì lo ngại về tính ổn định của nguyên liệu đầu vào. 
 
Theo Quỹ tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh, việc tái chế chất thải nhựa mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhất là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ. Đồng thời, tái chế chất thải nhựa giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất... Nếu mỗi năm 48.000 tấn chất thải nhựa hiện đang xử lý bằng chôn lấp được tái chế, thành phố có thể tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng.
TTXVN