Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Tin môi trường:Người Nhật xử lý rác khác người Việt như thế nào
(17:04:14 PM 19/04/2018)
(Tin Môi Trường) - Người dân Nhật phải tự phân loại rác theo 3 loại vào các túi nilon, đến ngày đổ rác thì tự để vào chỗ quy định.
Tôi đang sống tại Nhật Bản. Khi bắt đầu làm việc tại đây, một trong những điều đầu tiên mà người nước ngoài phải nắm vững là lịch vứt rác của nơi mình ở. Về cơ bản, tuỳ từng vùng, Nhật chia làm 3 loại rác và thu gom vào từng ngày cố định trong tuần.
Loại một gọi là “rác cháy được” bao gồm: Giấy, đồ ăn thừa, vỏ trái cây... nói chung là rác hữu cơ. Loại hai là “rác không cháy được” như: Nhựa, đồ hộp có thể coi là các loại rác vô cơ. Loại ba là “rác tài nguyên” như gỗ, thuỷ tinh...
Loại một được thu gom vào thứ Hai, thứ 5. Loại hai thu vào thứ 6. Loại 3 thu vào thứ 7. Người dân phải tự phân loại rác theo 3 loại kể trên và để vào các túi nilon trong (Nhật rất ít túi nilon đen), đến ngày đổ rác thì tự để vào chỗ quy định.
Ví dụ: Bạn mua một hộp sữa tươi thì sau khi uống xong, hộp giấy sẽ được để vào túi loại một và chỉ được vứt đi vào ngày thứ Hai, Năm. Cái ống hút bằng nhựa bé xíu sẽ phải bỏ vào túi loại hai và đổ đi vào ngày thứ Sáu. Bạn vứt nhầm mà bị phát hiện sẽ có thư của chính quyền nhắc nhở ngay. Như vậy sẽ cực kỳ tiện lợi cho việc xử lý rác sau này.
Loại một thì có thể tái chế thành phân bón chẳng hạn (do chứa nhiều chất hữu cơ) hoặc làm nguyên liệu đốt cho máy tua bin phát điện. Loại hai là các loại nhựa thì có thể trực tiếp đem đi tái chế. Loại 2 và loại 3 còn được người Nhật ép thành các khối cứng như bê tông dùng để lấp biển mở rộng đất đai.
Ngày nay, một phần lớn khu công nghiệp của hãng xe Mazda nằm ở tỉnh Hiroshima có được là do việc lấp biển. Đối với rác cỡ lớn như giường, tivi, bàn ghế... thì người đổ rác phải đi mua tem xử lý rác để dán vào đồ vứt đi thì mới được đem ra chỗ đổ rác. Tem xử lý rác chính là số tiền người dân bỏ ra để xử lý các loại rác đặc biệt.
Giá như chúng ta có thể học hỏi theo cách làm việc của họ thì sẽ không có chuyện đầu tư những máy móc đắt tiền về xử lý rác nhưng lại không hiệu quả. Do người dân không tự phân loại rác ở nhà trước, dẫn tới nhân viên thu gom họ không thể tự phân loại hết được.
Các máy xử lý rác hiện đại kia chỉ hoạt động hiệu quả khi rác đã được phân loại tốt. Nếu chúng ta làm được thì có lẽ cũng hạn chế được ô nhiễm rác thải ở Đa Phước hay Sóc Sơn. Tất nhiên việc so sánh ta với Nhật Bản là khập khiễng, tuy nhiên việc nghĩ ta thua họ ngay cả trong việc vứt rác thì quả đúng là đáng suy ngẫm.