(Tin Môi Trường) - Ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Tham vấn rà soát, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam”.
Ảnh: IE
Tổ công tác rà soát và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 2945/QĐ-BTNMT ngày 23/11/2017, do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân làm Tổ trưởng. Tổ công tác có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành; các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu trong nước trong các lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu.
Báo cáo về kế hoạch rà soát và cập nhật các nội dung giảm nhẹ và thích ứng trong NDC của Việt Nam, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Khắc Hiếu cho biết: Những nội dung dự kiến rà soát, cập nhật đối với hợp phần giảm nhẹ khí nhà kính tập trung vào các chính sách liên quan đến năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, chất thải; thu thập, đánh giá và phân tích số liệu cần thiết cho tính toán chi phí và tiềm năng giảm nhẹ trong các lĩnh vực; xây dựng kịch bản giảm nhẹ cho các lĩnh vực giai đoạn 2020-2030. Đồng thời phân tích, so sánh đánh giá nỗ lực quốc gia thực hiện, khả năng thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam giảm 25% khí thải nhà kính trong trường hợp có điều kiện giúp đỡ của quốc tế và mục tiêu giảm 8% trong trường hợp không có sự giúp đỡ từ quốc tế; áp dụng mô hình thích hợp để tính toán chi phí và tiềm năng giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính; nhận diện và lựa chọn các giải pháp giảm nhẹ ưu tiên; đánh giá tác động tích cực, tiêu cực của các giải pháp giảm nhẹ lựa chọn. Nhận diện các rào cản đối với việc thực hiện các giải pháp giảm nhẹ và đề xuất các giải pháp phù hợp.
Hợp phần giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính cho các lĩnh vực giai đoạn 2020-2030 cũng được Tổ công tác đặt ra kịch bản đạt hơn 299 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó các lĩnh vực đặt mục tiêu năng lượng giảm 171,6 triệu tấn CO2 tương đương, các quá trình công nghiệp giảm 40,2 triệu tấn Co2, nông nghiệp giảm 89,7 triệu tấn CO2, chất thải giảm 21,5 triệu tấn CO2, lâm nghiệp giảm 23,9 triệu tấn. Để đạt được kịch bản đó, Tổ công tác xây dựng 45 phương án giảm nhẹ khí thải và hấp thụ khí thải nhà kính cho các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, chất thải, sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), các quá trình công nghiệ
Đối với Hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu năm 2015 có 29 điều thì 5 điều liên quan trực tiếp đến thích ứng. Với các nước đang phát triển, việc coi trọng thực hiện thích ứng để tồn tại và phát triển được nhiều nước ưu tiên. Hiện 84% các NDC của các nước có nội dung thích ứng mà đa số là các nước đang phát triển đóng góp. Dự kiến các nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong NDC sẽ có thêm các nội dụng về tổn thất và thiệt hại, những hoạt động thích ứng đã triển khai từ khi trình INDC (do Việt Nam đề ra sau Hội nghị COP 21 về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015), chuyển đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu, những đóng góp đồng lợi ích giữa thích ứng và giảm nhẹ, những giải pháp thực hiện. Hiện Tổ công tác đang tiến hành rà soát các nội dung về hiện trạng thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại, đồng lợi ích giữa thích ứng và giảm nhẹ, đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội khi thực hiện NDC của Việt Nam...
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các tổ chức quốc tế, các ngành liên quan của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, các tổ chức phi chính phủ, GIZ, UNDP... đã đóng góp các ý kiến đối với công tác rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam.
Bà Hoàng Anh, thành viên của Tổ công tác rà soát NDC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Công tác rà soát, cập nhật NDC phải đáp ứng đầy đủ từng nội dung và lĩnh vực, do đó cần các bên liên quan tham gia chặt chẽ hơn. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới thành lập thêm Tổng cục Thiên tai. Các vấn đề như nông nghiệp 4.0, nông nghiệp hữu cơ, vấn đề nuôi trồng thuỷ sản... nên được đề cập trong NDC.
Theo Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia biến đổi khí hậu, NDC của Việt Nam là nghĩa vụ của Việt Nam với quốc tế. Nhóm công tác đã đưa ra các vấn đề quản lý nhà nước. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong xây dựng và thực hiện NDC là công tác quan trọng cần được thực hiện tốt. Mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế-xã hội nhưng phát triển phải tương thích với biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận nhóm đi sâu vào các vấn đề kỹ thuật trong rà soát, cập nhật NDC, như các kịch bản về phát triển thông thường và giảm nhẹ trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, quy trình công nghiệp, lĩnh vực chất thải, lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp...
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá các nội dung đề ra, các ý kiến thảo luận, đóng góp của bộ, ngành đều rất xác đáng và có trách nhiệm. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các nội dung NDC và đề nghị có sự tương tác làm việc chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành, để các số liệu tính toán sát hơn với quá trình cập nhật trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị sau buổi tham vấn, Tổ công tác rà soát cập nhật NDC cần nghiên cứu kỹ, bổ sung để có bản hoàn thiện cập nhật mới nhất.