(Tin Môi Trường) - Dùng các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê nhuộm với bột đen của lõi pin thành cà phê bột tung ra thị trường nhiều năm qua nhưng cơ quan chức năng không hay biết
Chiều 17-4, thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ một cơ sở kinh doanh cà phê đã nhuộm tạp chất với lõi pin Con ó.
Cà phê nhuộm chất độc hại
Trước đó, ngày 15-4, từ nguồn tin của người dân, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Nông kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (đóng tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông). Lúc này trong xưởng có hàng chục tấn cà phê bẩn đã được trộn lẫn với đất, bột đá.
Chất tạp, vỏ cà phê và cà phê phế phẩm được trộn với lõi pin thành cà phê đưa ra thị trường. (Ảnh cơ quan công an cung cấp)
Bà Loan cho biết cơ sở sản xất cà phê này đã hoạt động nhiều năm nay. Để có nguồn nguyên liệu, hằng ngày bà Loan cho người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… tại các đại lý. Sau đó, mua pin về dùng chất bột màu đen của lõi pin hòa với nước rồi đem nhuộm với các phế phẩm để chế biến thành cà phê. Số phế phẩm này được rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở này đã bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn như trên.
Theo thượng tá Bình, hiện cơ quan chức năng đã niêm phong 15 tấn phế phẩm cà phê đã được ngâm và tẩm đen, 500 kg vỏ cà phê, cà phê nát, 35 kg pin, 10 kg hỗn hợp nước và pin. Trong kho của cơ sở còn khoảng 7-8 tấn phế phẩm cà phê. "Còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ nên cơ quan chức năng vẫn chưa áp dụng biện pháp gì đối với bà Loan" - thượng tá Bình nói.
Đậu nành trộn hóa chất thành... cà phê
Tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - thủ phủ cà phê Việt Nam những năm gần đây, lực lượng chức năng cũng thường xuyên bắt quả tang các cơ sở chế biến cà phê không bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk đã từng "đột kích" một xưởng chế biến cà phê ở xã Hòa Khánh (TP Buôn Ma Thuột) phát hiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại đây không bảo đảm, tất cả hoạt động từ khâu rang xay và đóng gói đều được làm dưới nền nhà cáu bẩn. Một góc nhà còn nhiều mẻ bắp, đậu nành đã rang, pha hóa chất đen kịt, những thùng hóa chất đặc quánh như nhựa đường nấu chảy, bốc mùi khó chịu.
Đặc biệt, công an thu giữ 11 bao đậu nành, 33 bao hạt bắp, 4 bao khác đã rang tẩm hóa chất... và nhiều gói hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để sản xuất cà phê bột bán ra thị trường, cơ sở này đã dùng tới 90% nguyên liệu chế biến là đậu nành, bắp cùng với nhiều loại hóa chất. Điều đáng nói, trước đó, cơ sở rang xay cà phê này từng bị Công an tỉnh Đắk Lắk xử phạt hơn 37 triệu đồng vì vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay ở TP Buôn Ma Thuột nhiều cửa hàng bán các loại hương liệu, phụ gia để sản xuất cà phê từ đậu nành, bắp.
Còn tại Gia Lai, chiều 17-4, ông Nguyễn Văn Đang, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, cho biết năm 2017, đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm đã kiểm tra cơ sở chế biến, sản xuất cà phê bột do ông Nguyễn Ngọc Thành (số 31 Bế Văn Đàn, TP Pleiku) làm chủ và phát hiện 28 kg cà phê bột thành phẩm đã đóng bao bì và 129 kg gồm cà phê hạt đã trộn thêm đậu nành và các loại hương liệu, phụ gia khác. Qua kiểm tra đối với 129 kg cà phê này thì tỉ lệ hạt cà phê chỉ 10%, còn lại là đậu nành.
Cực độc với não, tim và thận...
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết trong pin thường có các kim loại nặng như chì (Pb), thủy ngân (Hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen (As, hay còn gọi là thạch tín). Đây là những chất cực độc, gây nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.
Sử dụng thực phẩm, nước uống nhiễm kim loại nặng gây ngộ độc cấp tính có thể tử vong. Ngộ độc thủy ngân sẽ bị kích động, tăng huyết áp, sau 2-3 ngày thì chết vì suy thận. Ngộ độc cấp bởi Asen sẽ gây khát nước dữ dội, mạch đập yếu, nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và tử vong nhanh chóng. Nhiễm độc chì cấp tính khi ăn, uống phải một lượng từ 25 - 30 g, nạn nhân chảy máu thực quản, dạ dày, nôn ra chất trắng (chì clorua) đau bụng dữ dội, co giật và tử vong.