(Tin Môi Trường) - Theo bạn đọc H.N, phần lớn những gia đình tổ chức đám tang rình rang là cơ hội để khoe mẽ hoặc 'thể hiện'. Nếu thương, còn sống sao không phụng dưỡng để đến lúc mất thể hiện bằng một đám tang như một chương trình đại nhạc hội... tạp nham?
Những cô nàng giới tính thứ ba 'quậy tưng ở đám tang - Ảnh: Tư liệu TT
"Tôi nghĩ, có nhiều gia đình, đó không phải là "gánh nặng" mà là cơ hội để "khoe mẽ", "thể hiện". Tôi không quy chụp hết tất cả nhưng có một số người thường lấy đám tang của người thân, nhất là cha, mẹ để thể hiện rằng mình là người con có hiếu.
Tôi từng chứng kiến một đám tang hàng xóm. Nhà đó có 2 cô con gái, 1 con trai và cũng có người thân quen ở Mỹ. Thế nên, có vẻ nhà khá giả. Lúc cô B. còn sống, cô bị tai biến. Khi đi cô phải chống gậy. Buổi sáng tôi thường thấy cô ngồi ở chiếc ghế trước nhà hong nắng.
Hễ thấy mẹ tôi đi chợ sáng thì bà nhờ mẹ tôi mua đồ ăn sáng giùm. Hôm nào mẹ tôi không đi chợ thì cô phải chống gậy ra đầu hẻm để mua. Dáng đi cô run run, tay cầm bịch đồ ăn, tay kia chống gậy, bịch đồ ăn rung lắc theo nhịp bước chân khập khiễng của cô.
Thời gian đó, tôi không thấy có đứa con nào của cô mua đồ ăn sáng cho cô (các bữa ăn còn lại tôi không biết). Rồi đùng một cái, cô bị té và mất luôn.
Đám tang cô, con của cô làm tới 4-5 ngày. Ngày đầu thì thuê rạp dựng rạp choáng hết cả đường đi. Rồi họ thuê ban nhạc trống kèn đập gõ cả ngày cả đêm.
Sang ngày thứ 2 thì mời ban nhạc cải lương. Ngày thứ 3 thì nhạc trẻ. Ngày cuối cùng trước khi chôn thì họ mời nguyên đoàn toàn giới tính thứ ba đến biểu diễn. Dân xung quanh hiếu kỳ, đêm người ta bắt ghế ngồi coi như người ta coi hát bội hồi ở quê tôi.
Tôi thấy đám tang mà... vui quá, nhạc nhiếc inh ỏi. Rồi "bầu-sô" đoàn hát này dẫn từng người đến từng bàn... xin tiền. Ôi thôi, cái âm thanh choáng hết cả một khu phố từ nhạc vàng đến nhạc trẻ. Nếu không nhìn vào trong nhà với chiếc quan tài để kia, tôi không nghĩ người đi đường biết đó là một đám tang.
Tôi thấy họ cười rồi họ uống rượu, cắn hạt dưa, nói chuyện rôm rả, còn yêu cầu đoàn hát đi hát lại hoài 1 bài hát mà họ nói là "ngày còn sống mẹ thích bài đó lắm".
Tôi không biết người nằm trong quan tài kia có thấy yên lòng khi ra đi không, có thấy tự hào vì "sự báo hiếu" của các con không, tôi chỉ thấy xung quanh hàng xóm thật phiền toái.
Mấy đêm liền kèn trống hát hò inh ỏi, nhà tôi sát cạnh, con tôi cứ giật mình không ngủ được.
Riêng tôi, tôi thấy đó là sự kệch cỡm. Nếu thương, còn sống sao không "cơm bưng nước rót", sao không phụng dưỡng để đến lúc mất đi rồi thể hiện bằng một đám tang như một chương trình đại nhạc hội... tạp nham?".
"Đám tang, suy cho cùng cũng chỉ là thủ tục để tiễn đưa người thân đã khuất. Làm cầu kỳ có phải là cho người khác biết mình có hiếu đến mức nào không? "- H.N