Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Cán bộ "hư", rừng "chảy máu"
(14:17:19 PM 13/04/2018)
(Tin Môi Trường) - Thông tin lâm tặc ở Đắk Lắk vừa đốn hạ hơn chục khối gỗ, rồi ngang nhiên cất giấu gần trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Ea Kar nhưng lực lượng kiểm lâm báo cáo "không hay biết", khiến dư luận bức xúc.
Ảnh minh hoạ: IE
Thật ra, vụ việc nói trên như "giọt nước tràn ly" khi hàng loạt vụ hủy hoại rừng liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây. Từ các vụ chặt phá hàng trăm hecta rừng đầu nguồn sông Tranh (Quảng Nam), huyện An Lão (Bình Định), Buôn Đôn (Đắk Lắk) đến các vụ bức tử rừng ở Sơn Trà (Đà Nẵng), Phú Yên… để làm dự án cho thấy rừng trở thành "miếng mồi ngon" tạo cơ hội cho nhiều thành phần xâu xé. Lâm tặc chặt phá rừng để lấy gỗ; người dân đốt phá rừng để lấy đất trồng trọt; tổ chức, cá nhân có chức, có quyền lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Hậu quả là rừng tiếp tục bị thu hẹp.
Tại hội nghị "Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên" được tổ chức vào giữa năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình trạng phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép đã ở mức nghiêm trọng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu cơ quan hữu trách, chính quyền các cấp nâng tầm bảo vệ, phát triển rừng. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng tuyên bố tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng còn lại sang mục đích khác, kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Chỉ đạo của Chính phủ là vậy, các văn bản pháp luật quy định cũng đã được ban hành, cụ thể hóa trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, người dân nhưng tại sao các vụ phá rừng vẫn liên tục xảy ra. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2017, cả nước xảy ra trên 16.500 vụ vi phạm lâm luật, đa phần là các vụ phá rừng. Dẫn chứng con số này để thấy rằng phải chăng công tác bảo vệ rừng chưa được chú trọng, hay đúng hơn là bị buông lỏng trong tương quan nhiều khía cạnh của các đối tượng nói trên (!?).
Nếu không quá lời thì rừng liên tục bị hủy hoại do có sự tiếp tay của một số cán bộ biến chất, lực lượng kiểm lâm. Lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông từng thừa nhận ít nhất 27.000 ha rừng của địa phương này đã "biến mất" chỉ trong 3 năm (2013-2015) có nguyên nhân từ tình trạng cán bộ dính líu tiêu cực. Mới đây, khi 69 ha rừng tại huyện An Lão (Bình Định) bị đốn hạ, sau đó lâm tặc vận chuyển trên tuyến đường độc đạo có chốt kiểm lâm này nhưng không bị phát hiện thì thật khó tin. Còn tại Phú Yên, dư luận ngỡ ngàng khi hay tin doanh nghiệp phá rừng để làm dự án nuôi bò; thậm chí phá rừng để… kịp tổ chức thi hoa hậu!
Có vẻ như siêu lợi nhuận từ rừng khiến người ta đang bất chấp tất cả. Quan chức một số nơi vẫn xây biệt phủ, dựng nhà thờ, toàn dùng gỗ quý. Đâu đó, khi cán bộ lâm nghiệp giàu lên bất thường, chủ các cơ sở chế biến gỗ cất nhà lầu, đi xe hơi… thì y như rằng nhiều cánh rừng chỉ còn trơ trọi đất.
Ngày nào còn những cán bộ "hư" như thế thì rừng vẫn tiếp tục "chảy máu"!