(Tin Môi Trường) - Để đến được khu đất sản xuất, nhiều hộ dân thuộc thôn 3, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) ngày ngày liều mình đu dây qua sông Pô Kô. Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng chính quyền địa phương không có giải pháp tháo dỡ.
Người dân tại huyện Ngọc Hồi vượt sông bằng đu dây. Ảnh: Quang Thái
* Có cầu vẫn… đu dây
Sông Pô Kô chảy qua địa phận huyện Ngọc Hồi chia cắt đất đai của hai huyện Ngọc Hồi và Đăk Tô. Để qua bên kia sông canh tác, Nhà nước đã đầu tư xây cầu sắt, cầu cứng kiên cố. Tuy nhiên, nhiều hộ dân có đất sản xuất phía bên kia sông vì ngại đường xa, khó đi nên đã tự làm hệ thống cáp treo để đu qua sông.
Có hơn 4 hecta đất rẫy nằm bên kia thuộc địa phận xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô), ngày ngày để qua bên kia sông làm rẫy, gia đình ông Lương Tám (tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) bất chấp nguy hiểm đu dây qua sông. Ông Lương Tám cho biết, dù biết có cầu xây dựng kiên cố, vững chãi và an toàn nhưng vì cách xa điểm sản xuất, đường đi khó hơn nên gia đình chọn giải pháp đu dây. “Để qua bên kia sản xuất, trước kia chúng tôi qua lại bằng đò, thuyền, những lúc nước to thì không đi được nên chúng tôi mới làm hệ thống cáp treo này. Hàng ngày dân đi lại rất đông bởi toàn bộ đất bên kia (đất thuộc xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Tô) đều của người dân ở Ngọc Hồi qua sản xuất. Hiện tại cầu sắt xa, nhất là mùa mưa đường dốc, trơn đi không được. Có một đường đi tới Tân Cảnh sau đó sẽ đến Ngọc Hồi nhưng xuống Tân Cảnh cũng phải đi mấy chục cây số”, ông Tám cho biết.
Cũng vì muốn tiết kiệm thời gian, tránh đi đường vòng, từ người già, trẻ nhỏ ở huyện Ngọc Hồi đều chọn giải pháp đu dây để qua sông. Không chỉ phục vụ vận chuyển người qua sông, hệ thống cáp treo này còn kiêm luôn việc vận chuyển nông sản, xe máy, phân bón qua phía bên kia sông để canh tác. Ông Trần Dương Chấn, làng Đăk De, xã Đăk Rơ Nga, huyện Ngọc Hồi cho biết: Chúng tôi là dân nương rẫy, để vận chuyển nông sản, phân bón lâu nay phải tự túc phương tiện. Mùa khô thì có thể dùng thuyền hoặc bè mảng kết bằng thân cây chuối để vận chuyển lượng hàng hóa nhỏ qua sông. Còn mùa mưa, nước lớn thì không thể đi qua lại được. Nếu muốn vận chuyển nông sản lớn phải đi ngược lên 4 - 5 km hoặc đi về hướng Đăk Tô hơn 20 km. Tuy nhiên, qua cầu rồi cũng phải men theo đường trong vườn cây cao su nên khó đi và tốn thời gian nhiều. Để thuận tiện chúng tôi dựng lên hệ thống cáp treo này, vừa vận chuyển được nông sản, phương tiện, con người qua sông nhanh gọn và tiết kiệm được thời gian.
Theo nhiều người dân ở đây, hệ thống cáp treo này đã tồn tại gần 10 năm nay. Ngày ngày, hệ thống cáp treo chủ yếu để phục vụ cho các hộ dân ở tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi qua canh tác nương rẫy ở khu vực thuộc xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Người dân tại huyện Ngọc Hồi vượt sông bằng đu dây. Ảnh: Quang Thái
* Hiểm nguy rình rập
Hệ thống cáp treo được xây dựng từ gần 10 năm nay, gồm 2 sợi cáp 12 mm, hai đầu được bắt vào trụ bê tông với một bên cao, bên thấp. Gắn với một sợ cáp 12 mm là một lồng sắt gắn ròng rọc để đựng hàng hóa, máy móc. Muốn qua phía bên kia sông, người dân chất hàng hóa, nông sản, phương tiện vào trong lồng vuông rồi đu qua.
Có mặt và chứng kiến quá trình vượt sông của nhiều người dân nơi đây, chúng tôi không khỏi lo lắng khi từng chiếc xe máy được chất lên rồi lao vun vút qua phía bên kia sông, kèm theo là tiếng rít của hai chiếc ròng rọc vào sợi cáp. Những chuyến hàng nặng, sợi cáp võng xuống gần sát mặt sông, người dân phải dùng một sợi dây thừng khác để kéo qua. Ông Đặng Trung Tá, người nhận là chủ sở hữu của hệ thống cáp cho biết: Gia đình mua rẫy bên kia nên mua luôn hệ thống cáp này để phục vụ cho việc qua lại và vận chuyển nông sản… Hệ thống cáp treo đã tồn tại ở đây cũng khoảng gần 10 năm rồi. Người dân ngày ngày vẫn qua lại bình thường.
Dù chưa thiệt hại về người nhưng những tai nạn liên quan đến hệ thống cáp treo này đã xảy ra. Bà Nguyễn Thị Kim Liên - nhà ngay đầu dốc dẫn xuống bờ sông, nơi đặt hệ thống cáp treo cho biết: Từ trước đến nay đã có hai trường hợp đứt cáp rồi. Cách đây mấy năm, một phụ nữ khi vượt sông bằng cáp treo khi qua gần tới nơi thì bị đứt cáp rơi xuống sông, may mắn là người dân cứu được. Còn cách đây 2 năm, mấy người bên phía thủy điện qua đo đạc đất bên đó cũng bị đứt cáp, máy móc rơi xuống sông trôi hết.
Theo những người dân sử dụng hệ thống cáp treo vào mùa khô, nước sông cạn thì không nguy hiểm lắm. Nhưng vào mùa mưa, lũ, nước dâng cao sát với sợi cáp, khiến việc qua sông rất nguy hiểm.
Liên quan đến việc người dân đu dây qua sông, ông Nguyễn Xuân Phượng - Chủ tịch UBND thị trấn Plei Kần cho biết, quan điểm của chính quyền thị trấn là không khuyến khích người dân sử dụng cáp treo tự phát. Chính quyền địa phương đang phối hợp, vận động các hộ dân đi cầu mà Nhà nước đã đầu tư. Để đảm bảo an toàn cho người dân hàng ngày tới nơi sản xuất, chính quyền thị trấn Plei Kần đang bàn bạc với một doanh nghiệp xây dựng thủy điện ở khu vực này làm một cầu tạm bằng gỗ bắc qua sông.