(Tin Môi Trường) - Về vụ việc 3 xe tải chở 3 cây "quái thú" bị phát hiện và lưu giữ tại Thừa Thiên - Huế, ngày 4-4, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ có hay không hành vi bao che cho phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ như phản ánh của báo chí và việc chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng xe; nếu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-4. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nguồn gốc các cây được chuyên chở trên các phương tiện như báo chí phản ánh; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm (nếu có).
Trong ngày 4-4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có buổi làm việc với một người tên là Kiều Văn Chương (trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội), người này đã trình các hồ sơ gốc liên quan đến 3 cây "quái thú".
Các cây "quái thú" đang bị tạm giữ tại Thừa Thiên - Huế Ảnh: QUANG TÁM
Theo bộ hồ sơ đầu tiên mà người này xuất trình, 1 cây được khai thác từ đất nông nghiệp của ông Phạm Đình Thướng (ở xã EaPil, huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk). Ngày 12-3, ông Thướng nộp bản đăng ký khai thác kèm hồ sơ - bản xác nhận cây còn sót lại, bản dự kiến sản phẩm khai thác, giấy xác nhận đất sản xuất, sơ đồ vị trí khu đất sản xuất - lên UBND xã EaPil. Cùng ngày, ông Thướng cũng làm đơn gửi Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrăk xin xác nhận khai thác và vận chuyển.
Khác với cây đa trên, theo 2 bộ hồ sơ còn lại, 2 cây khác được khai thác tại xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk có lý lịch bất thường. Người xin khai thác có tên là H Yôna Buôn Yă. Vào ngày 23-3, bà H Yôna Buôn Yă có làm bản kê khai đăng ký khai thác 2 cây đa sộp đều có đường kính 1,4 m, cao 12 m gửi UBND xã Ea Hồ và được xã này xác nhận. Cùng ngày, UBND xã ký xác nhận ông Đinh Công Quân (trú tại Thạch Thất, Hà Nội) được vận chuyển 1 cây mua từ nhà bà H Yôna Buôn Yă về Hà Nội để làm bóng mát ở ngôi chùa tại huyện này. Đơn xin khai thác, vận chuyển hai cây đa sộp đã được bà H’Phi La Nê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ, ký xác nhận vào ngày 23-3.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, bà H’Phi La Niê khẳng định bà không hề ký giấy xin khai thác của bà H Yôna Buôn Yă ở thôn 4, xã Ea Hồ và đơn xin vận chuyển của ông Đinh Công Quân vào thời gian nêu trên. Ông Nguyễn Văn Tiếp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Năng, cho biết sáng 4-4 ông đã xuống làm việc với UBND xã và bà H’Phi La Niê và cho lực lượng kiểm lâm đi kiểm tra nhưng vào thời gian khoảng tháng 3, tại xã Ea Hồ không có cây cổ thụ nào được khai thác, vận chuyển đi.
Như vậy, ngoài 2 trong 3 cây có nguồn gốc không đúng như giấy tờ người tới nhận thì cây đa sộp cao 14 m được gia đình ông Nguyễn Ngọc Chung (ngụ thôn Giang Hà, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) xin phép bán vào ngày 5-3 cũng không nằm trong số 3 cây đang tạm giữ. Ngoài ra, ngày 4-4, ông Mai Kim Huệ - Chủ tịch UBND xã Krông Búk (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) - xác nhận ngày 15-3, ông Wiên Byă (ngụ Buôn Krai A, xã Krông Búk) đã được UBND xã đồng ý cho khai thác một cây đa khủng nằm trong rẫy ông Wiên Byă. Theo ông Wiên Byă, cây đa này trên 60 năm, cao 15 m, có đường kính 1,97 m, ảnh hưởng đến đất sản xuất nên khi có người xin, ông đã cho không.
Rõ ràng, chỉ có 3 cây nhưng thông tin đã có sự không đồng nhất, chưa biết đích xác nguồn gốc. Để làm rõ như dư luận mong chờ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra cho ra sự thật.