(Tin Môi Trường) - Đã có nhiều nỗ lực làm giảm áp lực giao thông cho tuyến đường thủy độc đạo nối TP. HCM với các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, đến nay tàu ghe vẫn phải “xếp hàng” qua con kênh này.
Kênh Chợ Gạo đầy ắp tàu thuyền qua lại - Ảnh: THANH TÚ
Kênh Chợ Gạo nối sông Tiền với TP.HCM từ lâu gần như là tuyến kênh đường thủy nội địa độc đạo để vận chuyển hàng hóa, nông sản từ các tỉnh ĐBSCL đi TP.HCM.
Mỗi ngày tuyến kênh này phải "gánh" gần 1.500 phương tiện qua lại nên chuyện ùn tắc giao thông diễn ra như cơm bữa.
Trong hai năm 2013-2014, kênh Chợ Gạo đã được Bộ GTVT đầu tư nạo vét, nâng cấp giai đoạn I có chiều rộng luồng 26 mét. Tuy nhiên, do mật độ phương tiện quá cao, nên vào thời điểm các phương tiện cùng đón nước để đi, tàu thuyền chạy nối đuôi nhau.
Vì thế, có những tàu lưu thông hoặc bị tàu lớn, tàu ngược chiều đẩy dạt ra khỏi phạm vi luồng nên bị mắc cạn. Mặt khác, theo tập quán di chuyển của các phương tiện thủy là đi theo triều nên tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra.
Trước đó (năm 2011), Bộ GTVT đã đầu tư nạo vét kênh Nguyễn Văn Tiếp nối các tỉnh trong khu vực như: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang qua Long An để đi TP.HCM. Cùng với dự án này, cuối năm 2011 âu tàu Rạch Chanh (xã Bình Lợi Nhơn, TP Tân An, tỉnh Long An) được đầu tư 650 tỉ đồng và đưa vào sử dụng với hi vọng phá thế độc đạo của kênh Chợ Gạo. Bởi ghe, tàu di chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại qua tuyến đường này sẽ rút ngắn được 50 km (khoảng 6-8 tiếng).
Tuy nhiên, cho đến nay, vì nhiều lý do, âu tàu này vẫn còn xa lạ với nhiều ghe tàu có tải trọng lớn, nên việc khai thác âu tàu qua tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp vẫn còn khá khiêm tốn. Vì vậy, tuyến kênh Chợ Gạo vẫn là ưu tiên lựa chọn của các phương tiện từ ĐBSCL đi TP.HCM.
Năm 2013, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp kênh Chợ Gạo, dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2017. Thế nhưng, do khó khăn về vốn nên Bộ GTVT có chủ trương nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 theo hình thức BOT. Tổng chiều dài dự án là 9.850 mét, mở rộng đáy luồng chạy tàu ra 55 mét và nâng tĩnh không cầu vượt sông lên mức 9 mét với tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 2 là 1.337 tỉ đồng.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, Bộ GTVT vừa có văn bản chính thức gửi Chính phủ sẽ không thực hiện Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 bằng hình thức BOT. Thay vào đó, sẽ sử dụng nguồn vốn vay ODA để thực hiện Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam nhằm nâng cấp, cải tạo tuyến kênh này.
Đón nhận thông tin này, các chuyên gia cho rằng, cho dù việc nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II có hoàn thành thì nguy cơ ùn tắc giao thông trên tuyến kênh này khó có thể giải quyết triệt để. Bởi với lượng hàng hóa rất đa dạng, phong phú từ các tỉnh ĐBSCL đi TP.HCM hàng ngày vẫn phải lệ thuộc vào tuyến kênh này.