(Tin Môi Trường) - Thời gian gần đây, trên thị trường nước giải khát bỗng xuất hiện trở lại sản phẩm trà xanh C2 sau một thời gian vắng bóng do “Scandal" sản phẩm bị nhiễm chì trước đó.
Khủng hoảng sản phẩm nhiễm chì
Trước khi bị cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều lô sản phẩm bị nhiễm chì, trà xanh C2 được người tiêu dùng vô cùng ưa chuộng và đã phần nào tạo được chỗ đứng trong lòng người mua. Đồng thời, với giá cả thấp, C2 cũng tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt vời các thương hiệu cùng thời điểm.
Thế nhưng, vào giữa năm 2016, trà xanh C2 nhiễm chì vượt quá quy định được truyền thông đưa tin đã tạo nên bầu không khí hoang mang, trong đó những gia đình có con nhỏ vô cùng sợ hãi.
Cụ thể, vào tháng 5/2016, Thanh tra Bộ Y tế đã yêu cầu thu hồi 3 lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Ba lô hàng bị dừng lưu thông gồm trà xanh hương chanh C2 (NSX 4/2/2016, HSD 4/2/2017); nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ (NSX 19/2/2016, HSD 19/11/2016) và nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ (NSX 10/11/2015, HSD 10/8/2016).
Kết quả sau đó cho thấy đã có khoảng 40.000 thùng C2, Rồng đỏ nhiễm chì đã bán hết. Chỉ có gần 1.200 thùng nước giải khát C2, tăng lực Rồng Đỏ nằm trong 2 lô sản phẩm nhiễm chì được nhà sản xuất tự thu hồi.
Sau đó, Công ty TNHH URC Việt Nam (nhà sản xuất C2 và Rồng Đỏ) bị Bộ Y tế phạt gần 6 tỷ đồng do kinh doanh hai mặt hàng nhiễm chì kể trên cùng một số vi phạm khác.
Đến cuối tháng 6/2016, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tiếp tục phát đi thông báo thu hồi thêm 2 lô trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép của công ty URC.
Vào thời điểm này, các chuyên giá về y tế - hóa học cho biết, chì là kim loại nặng, nếu sử dụng với hàm lượng nhiều có thể gây ra nhiễm độc mãn tính hoặc cấp tính tùy vào mức độ dung nạp dung lượng chì của mỗi người. Nếu hàm lượng chì ở mức 0,05mg/l, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc do chì được thải ra ngoài theo đường nước tiểu, mồ hôi.
Khi vượt ngưỡng nhiều lần, nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất lớn, nhất là đối với trẻ em, đặc biệt trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính bởi chì rất khó thải loại, vào cơ thể chì sẽ theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh… gây bệnh cho người dùng. Nếu dùng nhiều và trong thời gian dài dễ gây nguy cơ ngộ độc, nhiều người không ngộ độc cấp tính luôn mà tích tụ thành bệnh theo thời gian.
Nỗi ám ảnh vẫn còn đó!
Vào thời điểm bùng nổ thông tin, người tiêu dùng hoàn toàn quay lưng với C2. Từ thị phần chiếm 38% trong tháng 3/2016, thì sau đó C2 đã sụt giảm lần lượt xuống mức 23% và 17% trong các quý II và III/2016.
Sau gần hai năm im hơi lặng tiếng, trong thời gian gần đây, C2 trở lại một cách âm thầm lặng lẽ với mẫu mã và kích thước chai hoàn toàn mới.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số siêu thị như Coopmart, Big C, Lotter…đã bắt đầu bày bán sản phẩm C2. Giá của sản phẩm C2 mới không chênh lệch nhiều với giá cũ trước đây. Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng vẫn tỏ ra hoang mang, “ái ngại” với sự trở lại lần này của C2.
Anh T. Viễn (ngụ quận 10) cho biết, không thật sự tin tưởng sự trở lại của C2. Một khi doanh nghiệp khiến khách hàng không còn niềm tin thì dù trở lại như thế nào khó mà được chấp nhận.
“Tôi nghĩ người dân nên cân nhắc kỹ trước việc sử dụng lại trà xanh C2. Riêng gia đình mình, tôi đã cấm người thân không mua sản phẩm này nữa. Vì trước đó họ đã bất chấp đạo đức, lẫn sức khỏe người dân để bán sản phẩm nhiễm chì…Tôi cũng mong người dùng ngày nay cần nên khắt khe hơn khi sử dụng sản phẩm, để loại bỏ những cái không tốt ra ngoài xã hội”, anh Viễn cho biết.
Dạo bước cùng con gái ở gian hàng nước ngọt, chị L. Thu (ngụ quận Bình Tân) chia sẻ: “Thật sự thấy siêu thị bày bán lại C2 tôi cũng hơi bất ngờ. Tôi cứ tưởng thương hiệu này sẽ bị cấm bán vĩnh viễn chứ. Ngày trước con tôi cũng thích uống nước ngọt C2, nhưng sau khi sản phẩm này bị phát hiện bị nhiễm chì gia đình vô cùng lo lắng và phải đưa bé đi kiểm tra. Thật sự đến thời điểm này vẫn còn sợ và ám ảnh lắm”.