Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Báo cáo mới: Điện than toàn cầu giảm trong năm thứ hai liên tiếp

(10:35:48 AM 22/03/2018)
(Tin Môi Trường) - Ngày hôm nay, Báo cáo, Bùng nổ và Thoái trào 2018: Giám sát các Nhà máy điện than Toàn Cầu chính thức được công bố bởi Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm.

Và theo báo cáo này, năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp số lượng các nhà máy điện than toàn cầu giảm mạnh, chủ yếu là do giảm ở Trung Quốc và Ấn Độ. Trong báo cáo này, cũng đã nhận định " Việt Nam tiếp tục là điểm nóng của điện than. Mặc dù không có nhà máy điện than nào được xây dựng vào năm 2017, nhưng một số lượng lớn các dự án được đề xuất vẫn đang trong giai đoạn phát triển" 

 
Từ năm 2015 tới 2017, công suất xây dựng mới giảm 73% khi chính phủ Trung Quốc ban hành các chính sách hạn chế phát triển điện than đồng thời tài chính tư nhân bị thắt chặt cũng khiến 17 công trường thi công bị đóng băng ở Ấn Độ. 
 
Báo cáo mới: Điện than toàn cầu giảm trong năm thứ hai liên tiếp
Báo cáo mới cho thấy: Điện than toàn cầu giảm trong năm thứ hai liên tiếp -Ảnh: IE 
 
Thủ đô Washington - Theo báo cáo mới được công bố bởi Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm, năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp số lượng các nhà máy điện than toàn cầu giảm mạnh, chủ yếu là do giảm ở Trung Quốc và Ấn Độ. Báo cáo, Bùng nổ và Thoái trào 2018: Giám sát các Nhà máy điện than Toàn Cầu, là cuộc khảo sát thứ tư được tiến hành hàng năm về tất cả các dự án điện than toàn cầu. Phát hiện chính của báo cáo gồm công suất của nhóm dự án mới hoàn thành giảm 28% so với năm trước (giảm 41% trong hai năm qua), công suất của nhóm dự án khởi công xây dựng giảm 29% so với năm trước (giảm 73% trong hai năm qua), và công suất của nhóm dự án được cấp phép và trong quy hoạch giảm 22% so với năm trước (giảm 59% trong hai năm qua). 
 
Hoạt động phát triển điện than tiếp tục bị thu hẹp là do các chính sách thắt chặt các dự án điện than mới của chính quyền trung ương Trung Quốc và sự rút vốn mạnh mẽ của nguồn tài chính tư nhân ra khỏi điện than ở Ấn Độ. Tại Ấn Độ, hoạt động thi công dự án điện than đang bị đóng băng ở 17 điểm. 
 
Báo cáo cũng xác nhận một kỷ lục chưa từng có về tổng công suất nhà máy điện than ngừng hoạt động lên tới 97GW trong ba năm qua, dẫn đầu là các nước Mỹ (45GW), Trung Quốc (16GW) và Anh (8GW). Từ xu hướng ngày một gia tăng các nhà máy phải dừng hoạt động trong hai thập kỷ qua, báo cáo dự đoán rằng ngành điện than toàn cầu sẽ bắt đầu thu hẹp vào năm 2022 khi các công suất dừng hoạt động vượt công suất phát triển mới.  
 
Trên toàn cầu, phong trào loại bỏ than đang ngày một phổ biến với cam kết của 34 quốc gia và các tổ chức địa phương. Năm 2017, chỉ có bảy quốc gia dự kiến phát triển dự án điện than mới ở nhiều hơn một địa điểm. 
 
Mặc dù số lượng dự án điện than mới giảm xuống, nhưng báo cáo cảnh báo rằng lượng khí thải trong cả vòng đời của các nhà máy điện than đang vận hành hiện nay sẽ vượt giới hạn các bon cho phép đối với than để đạt được mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Để giữ lượng phát thải của than trong phạm vi cho phép đó, cần dừng xây dựng các nhà máy mới và đẩy nhanh tốc độ đóng cửa các nhà máy đang vận hành.  
 
Ông Ted Nace, giám đốc của CoalSwarm nhận định: "Từ quan điểm bảo vệ sức khỏe và giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu, xu hướng giảm phát triển điện than rất đáng khích lệ, tuy nhiên tốc độ như hiện tại là chưa đủ nhanh. Nhưng thật may mắn khi hoạt động mở rộng sản xuất đã giúp giá của điện mặt trời và điện gió giảm nhanh hơn dự kiến, đồng thời loại năng lượng này cũng đang được cả thị trường tài chính và các nhà quy hoạch điện trên toàn thế giới rất quan tâm.” 
 
Lauri Myllyvirta, chuyên gia cấp cao của Greenpeace cho biết: "Việc giảm xây dựng nhà máy nhiệt điện than và đẩy nhanh việc đóng cửa các nhà máy đang vận hành là tin vui cho sức khoẻ cộng đồng - ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than là nguyên nhân dẫn đến hàng trăm ngàn ca tử vong sớm hàng năm trên toàn cầu. Mặc dù tốc độ xây dựng dự án mới đã chậm lại, nhưng tình trạng dư thừa công suất ngày càng diễn biến xấu, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia do những nước này vẫn tiếp tục phát triển các dự án mới.” 
LƯƠNG MỸ DUYÊN - Nguồn ảnh: IE