Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vì sao Huế chần chừ trình UNESCO hồ sơ cảnh quan đôi bờ sông Hương?

(15:50:14 PM 20/03/2018)
(Tin Môi Trường) - Đại diện Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nói về việc tỉnh Thừa Thiên- Huế chần chừ xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận giá trị cảnh quan văn hóa đôi bờ sông Hương.

Ngày 20.3, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu đô thị và vùng- Đại học Waseda (Nhật Bản) tổ chức hội thảo quốc tế “Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái- lịch sử tại các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương”.

 
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia băn khoăn trước việc tỉnh Thừa Thiên- Huế chần chừ xây dựng hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận giá trị cảnh quan văn hóa đôi bờ sông Hương.
 
Vì sao Huế chần chừ trình UNESCO hồ sơ cảnh quan đôi bờ sông Hương?
Sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh. 
 
Theo ông Bài, nhìn tổng thể các yếu tố thiên nhiên trong cấu trúc quần thể kiến trúc cố đô Huế, sông Hương có vai trò cực kỳ quan trọng với tư cách là trục phong thủy lớn nhất và cũng là một trục quy hoạch chủ đạo kết nối 3 hệ sinh thái trải dọc từ thượng nguồn tới biến Thuận An. Đây là cơ sở khoa học thuyết phục để các chuyên gia trong nước và quốc tế đồng thuận việc xây dựng hồ sơ khoa học bổ sung trình UNESCO công nhận giá trị cảnh quan văn hóa đôi bờ sông Hương là bộ phận hữu cơ tạo nên sự toàn vẹn và thống nhất trong cấu trúc của quần thể kiến trúc cố đô Huế.
 
Ông Bài nói, bản thân Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã nhiều lần kiến nghị tỉnh Thừa Thiên- Huế xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận, nhưng tỉnh này chần chừ chưa thực hiện. Nguyên nhân theo ông Bài là vì tỉnh Thừa Thiên- Huế lo ngại việc cảnh quan văn hóa đôi bờ sông Hương được công nhận sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
 
Ông Bài khẳng định việc cảnh quan văn hóa đôi bờ sông Hương được công nhận không những không gây ảnh hưởng mà còn là yếu tố góp phần làm tăng giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản Huế và tạo ra lực hấp dẫn trong tiềm năng của du lịch Huế.
 
Từ giá trị văn hóa đến thực tiễn, sông Hương thể hiện vai trò không thể thiếu đối với mảnh đất cố đô. Vì thế, tại kỳ họp lần thứ 28 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã chính thức đề nghị Việt Nam và chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế lập hồ sơ tái đề cử để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.
 
Sau đó, năm 2014, đoàn chuyên gia cấp cao của UNESCO đến thăm và khảo sát hệ thống quần thể di tích cố đô Huế cũng đề nghị tỉnh nên nhanh chóng đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông đoạn từ lăng Gia Long đến Cồn Hến vào khu vực cần bảo vệ, đồng thời đưa cảnh quan này vào hồ sơ tái đề cử di sản Huế.
 
Tuy nhiên, đến nay tỉnh Thừa Thiên- Huế vẫn chưa thực hiện lời đề nghị trên.
(Theo Trần Hoà/Dân viết)