(Tin Môi Trường) - Đây là thông điệp Ngày Khí tượng Thế giới 2018 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) lựa chọn vào ngày 23/3 hàng năm. Chủ đề lần này hướng tới sự nhanh nhạy và chính xác trong việc phân tích và dự báo khí tượng, từ đó chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến về khí hậu.
Ảnh minh hoạ: IE
* Thời tiết cực đoan - rủi ro đáng lo ngại nhất
Theo ông Petteri Taalas - Tổng Thư ký WMO, thời tiết, khí hậu và nước đều rất quan trọng đối với an sinh xã hội, sức khoẻ cộng đồng và an ninh lương thực. Nhưng các loại hình trên cũng có thể trở nên nguy hiểm và có sức tàn phá khủng khiếp, gây tác động lớn như bão, mưa lớn, nắng nóng, hạn hán... đã và đang cướp đi sinh mạng và sinh kế của người dân trong suốt quá trình lịch sử.
Báo cáo về các rủi ro toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nêu rõ, trong hai năm liền liên tiếp môi trường là mối quan ngại lớn nhất của các nhà lãnh đạo toàn cầu. Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cường độ và tần suất của những loại hình thiên tai này có thể kể đến thời tiết cực đoan; hủy hoại đa dạng sinh học và mất cân bằng hệ sinh thái; thiên tai trên diện rộng; thảm họa môi trường do con người gây ra và sự thất bại trong công tác thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Năm 2017 là một trong 3 năm nóng nhất trong lịch sử và là năm nóng nhất mà không có El Nino. Biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính khiến trái đất sẽ nóng hơn, thời tiết cực đoan và lũ lụt sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai. Các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn tiếp tục diễn ra vào những tháng đầu của năm 2018 cướp đi sinh mạng và hủy hoại sinh kế của người dân trên khắp thế giới. Mùa bão năm 2017 là mùa bão có thiệt hại kinh tế nặng nề nhất, ngay cả với Hoa Kỳ và phá hủy thành quả phát triển gây dựng trong hàng thập kỷ tại Đô-mi-ni-ca hay các quốc đảo nhỏ ở Ca-ri-bê. Lũ lụt đã làm hàng triệu người dân châu Á mất nhà cửa, trong khi hạn hán làm cho tình trạng đói nghèo và áp lực di cư tại cực Nam Châu Phi càng trở nên trầm trọng.
* Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai
Để hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới, tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Khí tượng Thế giới sẽ cùng “Sẵn sàng ứng phó với thời tiết, hành động thông minh với khí hậu” và “Ứng xử khôn ngoan với nguồn nước”, nhằm ủng hộ chương trình nghị sự quốc tế về phát triển bền vững, giảm rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức dân sự và người dân cần phải chuẩn bị thật tốt và hiệu quả công tác ứng phó với thời tiết cực đoan, khí hậu và nguồn nước thông qua các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, Tổ chức Khí tượng Thế giới đang công bố một danh mục các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai. Đây sẽ là một công cụ quan trọng, thực tiễn để tăng khả năng chống chịu của cộng đồng trước những thiên tai kể trên.
Các Cơ quan Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cần có khả năng cung cấp các sản phẩm dự báo chính xác và kịp thời đối với mọi hiện tượng thời tiết từ hạn cực ngắn đến nội mùa, mùa và khí hậu hạn dài bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất đến tất cả mọi người - từ cá nhân đến cộng đồng, đến các lĩnh vực kinh doanh khác nhau và cả các nhà hoạch định chính sách. Trước mắt cần xây dựng khả năng chống chịu với các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan, chính là việc thiết lập một mạng lưới quan trắc tốt. Một mạng lưới quan trắc rộng khắp trên mặt đất, trong không trung, trên biển cũng như từ không gian là điều tối quan trọng để cung cấp dữ liệu hỗ trợ dự báo và cảnh báo sớm cho các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan.
Bước tiếp theo là khả năng chống chịu của cộng đồng đối với các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan cần phải được xây dựng dựa trên những tiến bộ trong khoa học và công nghệ dự báo. Độ chính xác của công tác dự báo và cảnh báo được cải thiện, kết hợp với sự phối hợp tốt hơn giữa cơ quan dự báo và cơ quan quản lý thiên tai đã làm giảm mạnh mất mát về sinh mạng do các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong 30 năm qua. Nhờ sự phát triển của dự báo số trị mà ngày nay dự báo 5 ngày cũng chính xác như dự báo 2 ngày của 20 năm về trước. Sự phát triển này vẫn đang được tiếp tục, hỗ trợ công tác cảnh báo sớm một cách hiệu quả.
Đồng thời, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã phối hợp với các Cơ quan Khí tượng Thuỷ văn quốc gia trên toàn thế giới khởi xướng sáng kiến nhằm thiết lập một hệ thống cảnh báo đa thiên tai trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, Tổ chức Khí tượng Thế giới cũng đang tích cực làm việc với các đối tác trong Sáng kiến cảnh báo sớm và Rủi ro khí hậu cũng như với Khung Dịch vụ Khí hậu Toàn cầu để hỗ trợ những khu vực dễ bị tổn thương nhất.
Dự báo thuỷ văn cũng là một phần rất quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai. Chính vì vậy, Tổ chức Khí tượng Thế giới là một trong những nhà tài trợ, tổ chức hội nghị toàn cầu về nước sắp diễn ra vào tháng 5/2018 với chủ đề “Thịnh vượng từ Dự báo Thuỷ văn”. Tổ chức Khí tượng Thế giới luôn coi trọng việc bổ sung mạng lưới trạm quan trắc, dự báo chính xác, kịp thời và cảnh báo ảnh hưởng của thiên tai để góp phần xây dựng khả năng chống chịu với thời tiết, khí hậu và nước tại tất cả các quốc gia thành viên và các vùng lãnh thổ. Bằng cách đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới sẽ đóng góp để thực hiện đầy đủ Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển Bền vững và Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai: xây dựng một thế giới chúng ta mong muốn.
Để phát huy hiệu quả giảm thiểu rủi ro thiên tai, người dân và các cộng đồng có nguy cơ chịu rủi ro do thiên tai cần phải tham gia tích cực các hệ thống cảnh báo sớm. Công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro do thiên tai cũng cần được đẩy mạnh nhằm phổ biến một cách có hiệu quả các thông tin cảnh báo dự báo, bảo đảm sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai.