Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sứ mệnh cây lúa miền Tây

(19:43:10 PM 19/03/2018)
(Tin Môi Trường) - Việc cây lúa từ vị trí hàng đầu, nay xếp sau thủy sản và cây ăn trái, cần được nhận thức đúng trong định hướng phát triển vùng, gắn liền với sứ mệnh của cây lúa miền Tây.

Sứ mệnh cây lúa miền Tây

Ảnh: THUẦN VÕ

 
Việc cây lúa từ vị trí hàng đầu, nay xếp sau thủy sản và cây ăn trái, cần được nhận thức đúng trong định hướng phát triển vùng, gắn liền với sứ mệnh của cây lúa miền Tây. Dù ở vị trí nào trong cơ cấu kinh tế hay trong rổ tiêu dùng của các bà nội trợ, thì hạt gạo Việt vẫn không thể thiếu trong mỗi gia đình và mang sứ mệnh cao cả.
 
Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực vẫn là vấn đề toàn cầu, Việt Nam vẫn là quốc gia có trách nhiệm. Song, trước thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai và nhân tai, chúng ta cần nhận thức lại về an ninh lương thực, về sứ mệnh của cây lúa.
 
An ninh lương thực không chỉ là việc đảm bảo an toàn, chắc chắn nhu cầu ăn gạo cho mọi người dân, mà còn phải được tiếp cận về kinh tế, sinh kế của người trồng lúa. An ninh lương thực không chỉ đảm bảo dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu sinh học mà còn giúp nông dân làm giàu.
 
Vì vậy, phát huy vai trò cây lúa, chúng ta cần "hệ điều hành" mới với "hai bảo đảm" - an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Ở ĐBSCL, nhiều nơi trồng được lúa, nhưng không phải trồng ở đâu cũng có lợi nhuận cao. Không thể phát triển cây lúa bằng mọi giá, không nên ngăn mặn một cách cứng nhắc mà bỏ qua yếu tố kinh tế: chi phí và lợi ích.
 
Cây lúa đồng bằng đang chuyển đổi từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh doanh nông nghiệp" bằng các bài toán kinh tế; sự tiếp cận đa ngành, với định hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chuỗi giá trị và thương hiệu lúa gạo. Phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.
 
Hạt gạo đồng bằng không chỉ để ăn, mà còn là nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp mới sau gạo có giá trị gia tăng cao như thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn, sữa gạo, thức uống dinh dưỡng...), vật liệu (đánh bóng kim loại), sơn (nano chống cháy), ngành dược, mỹ phẩm, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
 
Sự gắn kết đó nâng tầm giá trị hạt gạo. Vị trí cây lúa dù xếp sau thủy sản và cây ăn trái, nhưng trong cuộc chuyển đổi lớn, nó đang thực sự lớn hơn. Ngành lúa gạo đang trên đường vượt qua dấu chân lấm bùn của kinh tế tự nhiên, kinh nghiệm nông nghiệp truyền thống để bước sang kinh tế tri thức, tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu để đủ sức gánh vác sứ mệnh mới, tiếp tục tạo ra kỳ tích mới sau hơn 30 năm đổi mới vừa qua.
TS TRẦN HỮU HIỆP/ TTO