Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Nhân Ngày Nước thế giới 2018: Giải pháp xanh cho nguồn nước
(15:59:41 PM 17/03/2018)
(Tin Môi Trường) - Hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2018 (22/3), ngày 16/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp xanh cho nguồn nước”.
Hội thảo là diễn đàn cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học chia sẻ kiến thức, hiểu biết liên quan đến các chính sách quản lý tài nguyên nước; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và đặc biệt là các giải pháp quản lý và bảo vệ nguồn nước dựa vào thiên nhiên.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết: Vấn đề ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề nóng ở Việt Nam. Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vào nguồn nước vẫn xảy ra trên diện rộng. Bên cạnh đó, Việt Nam lại phải hứng chịu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, quản lý tài nguyên nước bền vững là vấn đề cấp bách để bảo vệ nguồn tài nguyên "không thể thiếu" trong quá trình duy trì và phát triển của mỗi quốc gia.
Tại hội thảo, các báo cáo tập trung vào cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước như: Nước dưới đất và một số vấn đề về quản lý, bảo vệ bền vững nguồn nước dưới đất; Việt Nam - Quản trị cho an ninh nước: Chẩn đoán và các phương án; đổi mới cơ chế chính sách nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ bền vững tài nguyên nước; điều tiết hồ chứa và sử dụng nước hiệu quả; quản lý tài nguyên nước dựa trên tiếp cận thị trường…
Theo ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, hiện trạng khai thác nước dưới đất toàn quốc khoảng hơn 10 triệu m3/ngày (tương đương 3,8 tỷ m3/năm), trong đó 10 tỉnh miền địa chất thủy văn Đồng bằng Bắc Bộ khoảng 2.490.000 m3/ngày; 19 tỉnh miền địa chất thủy văn Đồng bằng Nam Bộ khoảng 4.529.000 m3/ngày. Do vậy, dẫn đến nhiều thách thức trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất cũng như bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Đặc biệt, việc khai thác vượt quá trữ lượng có thể khai thác của một số tầng chứa nước gây hạ thấp mực nước dẫn đến sụt lún mặt đất tại một số địa phương, một số tỉnh ở bán đảo Cà Mau và ven biển đồng bằng Sông Cửu Long; một số tầng chứa nước đã và đang suy thoái, cạn kiệt; gia tăng diện tích nhiễm mặn…
Tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị việc nâng cao công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các giải pháp xanh như: Dựa vào thiên nhiên (hạ tầng xanh; mái nhà xanh; bức tường cây; hồ điều hòa; phục hồi đất ngập nước, đụn cát; duy trì các bãi bồi ven sông, cửa sông…), hạ tầng thủy lợi (ưu tiên hoàn chỉnh các công trình thủy lợi lớn; hoàn thiện hệ thống kênh, mương; chống ngập cho các đô thị, thành phố lớn…). Quản lý phát triển cấp thoát nước để bảo vệ và phát triển tài nguyên nước (khuyến khích sử dụng nước mưa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống và sản xuất. Mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 70% diện tích bao phủ dịch vụ. 15% đến 20% tổng lượng nước thải tại đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường (theo Quyết định 589/QĐ-TTg, ngày 6/4/2016) góp phần bảo vệ nguồn nước.