(Tin Môi Trường) - Dù hiện tại là tháng 3.2018 nhưng tại các bảng điện tử vẫn đang hiển thị chỉ số chất lượng môi trường của tháng 12.2017. Sở Tài nguyên và Môi trường lý giải như thế nào về vấn đề này?
Bảng điện tử hiển thị chất lượng không khí tại quận 3 - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
TP.HCM hiện có 325 vị trí quan trắc định kỳ thường xuyên và 16 trạm quan trắc tự động chất lượng nước thải tại các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp và Khu Công nghệ cao.
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết hằng tháng, trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn tiếp nhận thông tin về kết quả quan trắc môi trường từ Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường để thực hiện đưa tin về kết quả quan trắc môi trường vào các thời điểm trong ngày với thời lượng hiển thị là 30 giây/tin.
Về nội dung thể hiện trên bảng tin tại từng khu vực, ông Sơn cho hay lấy vị trí bảng thông tin làm tâm, những vị trí quan trắc trong vòng bán kính 3 km sẽ được thể hiện thông tin lên bảng thông tin đó.
Lý giải việc các bảng điện tử hiển thị chỉ số chất lượng môi trường chậm trễ, lạc hậu về thời gian, ông Sơn giải thích do đặc thù của quy trình lấy mẫu hiện tại đến khi có kết quả phân tích nên số liệu công bố công khai bị chậm 1 – 2 tháng.
Nhân viên đang lấy mẫu để quan trắc chất lượng không khi -ẢNH: HEPA
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng cho rằng hiện nay việc quan trắc chủ yếu theo phương thức quan trắc thủ công gián đoạn dẫn đến chuỗi số liệu quan trắc còn rời rạc, không liên tục; do vậy, chưa đánh giá kịp thời diễn biến, xu thế, nguy cơ ô nhiễm của các thành phần môi trường, gây hạn chế trong công tác cảnh báo cho cộng đồng và phục vụ công tác quản lý nhà nước về xử lý những nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Vậy quy trình từ khi lấy mẫu đến khi công khai số liệu chỉ số chất lượng môi trường trên các bảng điện tử diễn ra như thế nào?
Quy trình nào để ra chỉ số chất lượng môi trường?
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành lấy mẫu thủ công với tần suất lấy mẫu cụ thể như sau:
- Quan trắc chất lượng không khí: lấy mẫu 10 ngày/tháng tại 2 thời điểm 7g30 - 8g30 và 15g00 - 16g00;
- Quan trắc chất lượng nước sông: lấy mẫu 2 lần/tháng tại 2 thời điểm đỉnh triều và chân triều;
- Quan trắc chất lượng nước kênh rạch nội thành: lấy mẫu 1 lần/tháng tại 2 thời điểm đỉnh triều và chân triều;
Lấy mẫu nước tại kênh Ba Bò- ẢNH: HEPA
Sau khi lấy mẫu, Trung tâm gửi phân tích mẫu, thông thường từ ngày 10 đến 15 tháng sau mới có kết quả phân tích của đợt lấy mẫu tháng trước đó. Sau khi đã có toàn bộ dữ liệu về kết quả quan trắc chất lượng môi trường của Thành phố, Trung tâm tiến hành tổng hợp, tính toán, xử lý số liệu và gửi Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn lên mẫu tin.
Gần 500 tỉ đồng để phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường
Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển mạng lưới quan tắc chất lượng môi trường TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2020, TP.HCM sẽ có 369 trạm quan trắc môi trường thủ công và 39 trạm quan trắc môi trường tự động với tổng mức đầu tư là 495 tỉ đồng.
Hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý tại trạm KCN Tân Tạo- ẢNH: HEPA
Trước mắt, trong năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thành việc đầu tư và đưa vào vận hành 2 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động và 2 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động.
“Khi đó, chất lượng môi trường sẽ được thông tin đến người dân một cách dễ hiểu hơn so với những thông số chuyên môn như hiện tại. Ngoài ra, trong năm 2018, Sở sẽ hoàn thiện cổng thông tin chất lượng môi trường, ứng dụng quản lý dữ liệu quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường trên điện thoại thông minh”, ông Sơn thông tin.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng việc đầu tư mạng lưới các trạm quan trắc tự động, liên tục tại các vị trí trọng yếu, nhạy cảm về môi trường nhằm đánh giá kịp thời diễn biến, xu thế, nguy cơ ô nhiễm của các thành phần môi trường.
Từ đó, cơ quan kịp thời cảnh báo và tiến đến dự báo cho người dân và cộng đồng để có các biện pháp phòng ngừa các ảnh hưởng đến sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.