(Tin Môi Trường) - “Dù lâu nay UBND tỉnh và các cơ quan hữu trách nghiêm cấm nuôi đuông dừa, nhưng vì nhu cầu tiêu thụ và lợi nhuận rất cao nên nhiều người vẫn lén lút nuôi”, Duy cho biết.
Món đuông ngâm nước mắm ăn sống được dân nhậu xưng tụng là đặc sản số 1 - Ảnh: Thanh Anh
Gọi điện, giao hàng tận nơi
Bữa tiệc tân niên của nhóm gần chục “thiếu gia” ở TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) thịt cá ê hề đầy mâm nhưng ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm. Bất ngờ, T., 1 thành viên của buổi tiệc, lên tiếng đề xuất: “Sau mấy ngày tết ngán thịt, cá lắm rồi. Tui có thằng em ở Bến Tre chuyên buôn đặc sản đuông dừa, kêu nó đem qua 1 mớ làm mồi nhậu cho đỡ ngán”. Thấy cả bàn vỗ tay hưởng ứng, T. móc điện thoại…
Khoảng 30 phút sau, 1 thanh niên chạy xe gắn máy biển số 71 (Bến Tre) ghé vào, tay xách chiếc thùng nhựa khoảng 10 lít đi thẳng đến bàn tiệc. Bên trong thùng đầy vỏ dừa tươi được xay nhuyễn, bên dưới lớp dừa xay lúc nhúc những sinh vật thân mềm màu trắng đục như sữa, to khoảng ngón tay người lớn, dài khoảng 30 cm, đó là con đuông dừa, đặc sản của xứ chuyên canh dừa Bến Tre.
Anh thanh niên tự giới thiệu tên Duy, nhà ở H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Nghe T. hỏi giá cả, Duy nói: “Nếu anh lựa đuông ngon, lớn thì giá 8.000 đồng/con, còn bắt “sa cạ” lớn nhỏ lẫn lộn thì em để giá 6.000 đồng/con. Bảo đảm với anh, đem đuông ngâm nước mắm nhỉ với ớt hay nướng, nấu cháo, chiên nước mắm đều ngon hết sẩy”.
Theo lời Duy, anh có thâm niên mua bán đặc sản đuông dừa đã hơn 5 năm. Đuông dừa thực chất là ấu trùng của 1 loại bọ cánh cứng mà nhà vườn thường gọi là con kiến dương. Đặc điểm đáng sợ của con bọ kiến dương là sinh sản trên ngọn cây dừa. Sau khi giao phối, bọ kiến dương cái sẽ đục lỗ vào lõi non của cây dừa (còn gọi là củ hủ dừa) và đẻ hàng trăm quả trứng vào bên trong. Khi trứng nở ra ấu trùng, hàng trăm con non sẽ ngày đêm đục khoét, gặm nhấm sạch phần lõi non của cây dừa, dẫn đến việc cây dừa bị chết.
“Ngoài tự nhiên rất dễ nhận biết cây dừa bị đuông phá hại. Cứ nhìn cây dừa nào bị gãy đọt lá non, úa vàng thì nhà vườn biết cây dừa đó đã bị ấu trùng bọ kiến dương ăn hết lõi non và là lúc bọn đuông non thân hình rất mập mạp, đầy sữa ngon ngọt. Những trường hợp như vậy thì nhà vườn chỉ còn giải pháp đốn hạ cây dừa, chặt lấy phần ngọn bổ ra và bắt sạch lũ nhộng non đem về làm thức nhắm, nhậu cho bõ ghét”, Duy kể.
Trong lúc mọi người tranh nhau xem xét những con ấu trùng đuông dừa lội lúc nhúc trong dĩa nước mắm nhỉ trộn ớt xắc khoanh, Duy tranh thủ “tiếp thị”: “Mấy anh ở Mỹ Tho thì khi nào muốn thưởng thức đặc sản đuông dừa chỉ cần a-lô vào số điện thoại này là em sẽ đem hàng giao tận nơi, giá cả phải chăng, muốn số lượng bao nhiêu cũng có, mua số lượng nhiều thì em… khuyến mãi 20 con tặng 1 con”.
Đặc sản đuông dừa là ấu trùng của bọ kiến dương chuyên phá hoại vườn dừa - Ảnh: Thanh Anh
Nhiều “đệ tử lưu linh” cho rằng, con đuông dừa sống trong thân non của cây dừa nên rất sạch và có nhiều protein có lợi cho sức khỏe vì nó chỉ chuyên ăn lõi non của cây dừa, nên từ lâu được giới sành ăn xem là đặc sản “độc nhất vô nhị” của xứ dừa Bến Tre. Con đuông dừa có thể chế biến ra nhiều món “khoái khẩu” như nướng lửa than, lăn bột chiên giòn, chiên nước mắm, rang mặn, nướng muối ớt hay luộc nước dừa, nấu cháo.
Nhưng giới ăn nhậu đều cho rằng, món đặc biệt ngon và bổ nhất được chế biến từ con đuông dừa là đem ngâm nước mắm nhĩ với chút đường, bột ngọt và ớt tươi xắc khoanh trong 30 phút rồi… ăn sống.
Ai cấm cứ cấm, ai nuôi cứ nuôi
Theo tiến sĩ Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam thuộc Bộ NN&PTNT, mặc dù nhiều người xem con đuông dừa lá món đặc sản nhưng đây là loài côn trùng gây hại rất nguy hiểm cho cây dừa, nên từ lâu ngành nông nghiệp và UBND tỉnh Bến Tre đã nghiêm cấm gây nuôi, mua bán đuông dừa dưới bất kỳ hình thức nào.
Nhưng điều lạ lùng là dù bị nghiêm cấm nhưng cho đến nay hầu như “đặc sản” đuông dừa đều có mặt ở những nhà hàng, quán nhậu khi thực khách có yêu cầu. Điều này khiến hơn 70.000 héc-ta đất chuyên trồng dừa của tỉnh Bến Tre luôn trong tình trạng báo động vì nguy cơ bọ kiến dương trưởng thành phát tán gây hại, còn người trổng dừa luôn trong tâm trạng bất an.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, người chuyên thu mua dừa trái ở xã An Hiệp (H.Châu Thành, Bến Tre), cho biết do nhiều năm bị nhà vườn và các cơ quan bảo vệ thực vật săn lùng, tiêu diệt nên ngoài tự nhiên hiện nay đuông dừa và bọ kiến dương rất ít. Nhưng do nhu cầu tiêu thụ nhiều và giá bán rất cao (bình quân 1 kg ấu trùng đuông dừa khoảng 300 con, giá bán hơn 2 triệu đồng/kg) nên rất nhiều người lén lút gây nuôi loại côn trùng nguy hại này để cung cấp cho thị trường.
“Đi thu mua dừa nhiều năm nên tui biết nhiều địa phương như Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày… đều có người lén nuôi đuông dừa. Tuy nhiên họ giấu rất kỹ, rất cảnh giác người lạ không thể nào tiếp cận được khu vực họ nuôi đuông, bởi họ biết nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử phạt rất nặng”, anh Hiệp nói.
Đem việc nuôi đuông dừa hỏi Duy, anh chàng ngần ngừ hồi lâu rồi cũng tiết lộ: “Nếu không gây nuôi thì không thể nào có đủ hàng để cung cấp cho thị trường. Dù lâu nay UBND tỉnh và các cơ quan hữu trách nghiêm cấm nuôi đuông dừa, nhưng vì nhu cầu tiêu thụ và lợi nhuận rất cao nên nhiều người vẫn lén lút nuôi”.
Duy kể, lâu nay người nuôi đuông thường đi tìm bắt con bọ kiến dương trưởng thành ngoài tự nhiên (hay xuất hiện lúc sụp tối) đem về làm đuông giống. Nếu không có kiến dương giống ngoài tự nhiên thì có thể mua giống ở các địa phương lân cận, chỉ dân trong nghề mới biết điểm nhân, bán giống.
Người dân tìm bắt đuông ở 1 cây dừa bị chết - Ảnh: Thanh Anh
Hiện tại thì 1 con kiến dương giống chưa trưởng thành có giá khoảng 25.000 - 30.000 đồng; kiến dương trưởng thành được bán khoảng 40.000 - 50.000 đồng/con tùy thời điểm. Kiến dương giống sau khi đem về được nhốt vào thùng nhựa lớn, mỗi thùng gồm 5 con đực và 5 con cái, rồi đậy kín nắp, xung quanh đục những lỗ nhỏ để thoáng khí.
Thức ăn là lá dừa non xay nhuyễn hoặc thu mua thân dừa non của những người phá vườn trồng bưởi da xanh. Sau thời gian kiến dương sinh sản, người nuôi phải thường xuyên thăm các thùng nuôi, đến khi ấu trùng mập mạp to bằng ngón tay là có thể thu hoạch.
Theo lời Duy, những năm trước người dân nuôi đuông dừa rất nhiều để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu đặc sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre và các địa phương lân cận như Mỹ Tho, Long An, TP.HCM,.. Bởi chỉ cần đầu tư khoảng 100 triệu đồng cho 10 thùng nuôi đuông và máy xay thức ăn thì sau 2-3 vụ thu hoạch đã hòa vốn và bắt đầu có lãi.
Nhưng từ khi UBND tỉnh Bến Tre nghiêm cấm nuôi đuông, nhiều người rút vào “hoạt động bí mật”, những người khác chọn giải pháp chuyển đồ nghề sang những địa phương không cấm nghề nuôi đuông để làm ăn.
“Nhưng nói thiệt, đuông dừa là loại côn trùng gây hại kinh hoàng nhất đối với người trồng dừa, bởi chúng sinh sản rất nhanh, có khả năng phát tán rộng, phá hủy các vườn dừa. Theo chỗ tui biết thì dù người nuôi có bảo quản kỹ càng thế nào cũng không tránh khỏi việc kiến dương trưởng thành trốn thoát ra ngoài tự nhiên gây hại. Vì vậy tui chỉ chuyên đi thu mua và bán lại, không gây nuôi loài côn trùng này”, Duy nói.