Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Đẩy lùi ung thư nhờ… ăn vặt
(10:28:09 AM 02/03/2018)
(Tin Môi Trường) - Những bệnh nhân ung thư đại tràng có thói quen ăn vặt bằng các loại hạt, quả hạch có cơ may sống sót cao hơn đến 57% so với người không ăn.
Nghiên cứu của Viện Ung thư Yale (Mỹ) thực hiện trên 826 người mắc ung thư đại tràng (ung thư ruột kết) đã được điều trị thành công, theo dõi trong vòng 6 năm.
Thông thường, điều đáng sợ nhất ở bệnh nhân ung thư chính là căn bệnh tái phát và thực sự quật ngã họ. Với các bệnh nhân ăn vặt bằng các loại hạt, không chỉ cơ hội sống sót tăng 57% mà số người sống sót mà không tái phát bệnh cũng tăng 46%.
Ăn vặt bằng hạt điều, hạnh nhân, quả óc chó... làm tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân ung thư - ảnh: THE SUN
Ở những người không may bị tái phát, lần tái phát thường "nhẹ nhàng" hơn nếu họ ăn các loại hạt thường xuyên.
Món ăn vặt thần kỳ này bao gồm quả óc chó, hạnh nhân, hạt điều và các dạng quả hạch khác. Để đạt được hiệu quả này, người bệnh cần ăn ít nhất 2 nắm quả hạch mỗi tuần (khoảng 56,5 g), tương đương với khoảng 36 hạt điều, 48 hạt hạnh nhân hay 28 quả óc chó.
Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng điều này chỉ đúng với các loại hạt thuộc dạng quả hạch nêu trên, chứ không phải hạt của các cây họ đậu như đậu phộng.
Theo Tiến sĩ Temidayo Fadelu, người đứng đầu nghiên cứu, nguyên nhân lớn nhất khiến các loại hạt trở nên thần kỳ là làm cho bệnh nhân ít bị kháng insulin, giúp giữ mức đường huyết thấp và giảm mạnh nguy cơ béo phì. Trong khi đó, béo phì và ung thư đại tràng được chứng minh có mối quan hệ chặt chẽ.
Nhiều người thắc mắc rằng việc ăn các loại hạt đáng lẽ khiến họ mập hơn – vì chúng rất giàu dinh dưỡng. Thế nhưng, nhóm nghiên cứu cho biết kết quả hoàn toàn ngược lại: ăn vặt bằng quả hạch khiến người ta giảm cân bởi mau tạo cảm giác no, dẫn đến ăn bữa chính không quá nhiều, đồng thời tốt cho quá trình sản xuất insulin.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Oncology.