Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hà Nội: Nhà vệ sinh công cộng không còn là chuyện nhỏ tế nhị

(09:03:31 AM 02/03/2018)
(Tin Môi Trường) - Từ khi Thủ đô được mở rộng, đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi; cơ sở hạ tầng, đường, trường, trạm, nhà ngày càng hiện đại ... phục vụ dân sinh, song vấn đề nhà vệ sinh công cộng lại chưa được như mong muốn. Qua khảo sát, trên địa bàn Thủ đô rộng lớn hiện chỉ có khoảng hơn 370 nhà vệ sinh công cộng đang hoạt động. Vì thế, nhà vệ sinh công cộng hiện nay đã không còn là chuyện nhỏ ở Hà Nội.

Hà Nội: Nhà vệ sinh công cộng không còn là chuyện nhỏ tế nhị

 
Do thiếu nhà vệ sinh công cộng, nhiều người phải loay hoay khá vất vả mới giải tỏa được nỗi “bức xúc” tế nhị ở nơi đúng quy định. Còn với những người không có nhiều thời gian và kinh tế để kín đáo vào quán bia, hay quán giải khát "giải quyết" nhu cầu thì thường tìm đến gốc cây, bờ tường nơi khuất nẻo trước khi "quá tải". Nhiều nơi dù có những dòng chữ, biển báo cấm nhưng vẫn là địa điểm để người dân phóng uế mỗi khi có nhu cầu thầm kín. 
 
Trong nội đô, có thể kể đến một số địa điểm được coi là "điểm đen" về tình trạng phóng uế do thiếu nhà vệ sinh công cộng như khu vực Công viên Thống Nhất (cạnh rạp xiếc Trung ương); điểm đón xe bus tuyến đường Quán Sứ (gần Cung hữu nghị Việt Xô) hay tại tuyến đường Trần Nhật Duật... 
 
Một số vườn hoa, địa điểm công cộng được lắp đặt nhà vệ sinh công cộng nhưng trong tình trạng quả tải. Việc lau rửa, dọn dẹp chưa đảm bảo cũng hạn chế người đến sử dụng. 
 
Một số nơi, Công an đã tiến hành xử phạt những đối tượng có hành vi vi phạm. Điển hình là Công an phường Láng Hạ (Đống Đa), trong năm 2016 đã phạt hành chính 200.000 đồng đối với một nam thanh niên có hành vi đái bậy trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng từ đó đến nay, rất ít người bị xử phạt hành vi trên, dù trên đường vẫn nhan nhản những hành động thiếu văn hóa này. 
 
Để giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân của người dân, mỗi dịp lễ, Tết hoặc hội nghị cấp cao diễn ra tại Hà Nội, thành phố chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội bố trí, lắp đặt nhà vệ sinh dã chiến ở những địa điểm công cộng. Tuy nhiên, chỉ sau khi sự kiện kết thúc ít ngày những nhà vệ sinh trên lại được tháo dỡ, thu hồi, bức xúc của người dân về vệ sinh công cộng vẫn chưa được giải quyết. 
 
Trước thực trạng vừa thiếu vừa quá tải, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa, lắp đặt nhà vệ sinh công cộng. Năm 2016, Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing đã cam kết tài trợ cho thành phố 1.000 nhà vệ sinh công cộng. Khi đó, người dân Thủ đô đã khá vui mừng đón nhận thông tin kể trên và kỳ vọng vào một ngày không xa, nhu cầu tế nhị được đáp ứng. 
 
Để thực hiện kế hoạch trên, Ban duy tu các công trình Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng Hà Nội đã khẩn trương phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing, các quận huyện, sở, ngành liên quan tổ chức khảo sát được 439 vị trí lắp đặt nhà vệ sinh công cộng. Tuy vậy, đến ngày 1/9/2017 Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing mới chỉ lắp đặt được 80/439 vị trí được thống nhất lắp đặt nhà vệ sinh công cộng cả ở nội và ngoại thành. Trong đó, đã bàn giao đưa vào sử dụng 52 nhà cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội thực hiện duy trì. 
 
Qua tìm hiểu thực tế hiện nay, trong số những nhà vệ sinh công cộng do Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing bàn giao, một số nhà vệ sinh bị lỗi kỹ thuật như không bơm được nước, nhà dột, cửa kẹt… khiến một số người dân phản đối, buộc chủ đầu tư phải tạm dừng thi công và chưa biết đến khi nào tiếp tục thi công lắp đặt trở lại. 
 
Cùng với việc thiếu và quá tải, khó kêu gọi xã hội hóa thì vấn đề nhà công cộng cũng được xem là rối rắm, chưa đồng nhất trong công tác quản lý, vận hành và thu phí. Thực tế ở Hà Nội hiện nay, có nơi nhà vệ sinh công cộng sạch đẹp lại miễn phí, nhưng nhiều chỗ một lần giải quyết nhu cầu phải trả phí 2.000 đồng. Bên cạnh đó, việc mở cửa nhà vệ sinh muộn nhưng đóng sớm, khiến người dân không biết được khoảng thời gian sử dụng; chưa kể tới tình trạng nhiều nhà vệ sinh công cộng bẩn, bốc mùi khai, thối, khiến mỗi lần sử dụng không ít người phải rùng mình. 
 
Nhiều người cho rằng, vấn đề nhà vệ sinh công cộng là một nhu cầu thiết yếu của xã hội. Đây được xem là một phần quan trọng của bộ mặt đô thị với dân số hơn 7 triệu người. Vì thế, thành phố Hà Nội cần tiếp tục quan tâm xây dựng, lắp đặt nhiều hơn nữa nhà vệ sinh công cộng, đồng thời có biện pháp thu hút người dân sử dụng, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô sạch, đẹp và văn minh.
 
Mạnh Khánh -TTXVN