(Tin Môi Trường) - Trước tiếng tăm nổi như cồn của các người hùng U23 Việt Nam, trong đó nổi bật là thủ thành Bùi Tiến Dũng, một công ty truyền thông nhanh tay tung ra bảng báo giá hình ảnh "người nhện" này.
Đó là Công ty OrionFootballTotal (Orion Media). "Bảng báo giá booking Bùi Tiến Dũng" áp dụng từ ngày 1-2-2018 đưa ra các mức giá rất chi tiết.
Theo đó, một bài đăng (status) trên facebook cá nhân của Dũng sẽ được trả 2.500 USD (gần 60 triệu đồng), một lần livestream (video) 5.500 USD, một lần Dũng dự sự kiện lấy cát-xê 10.000 USD, chụp ảnh check-in với Dũng 5.000 USD, một lần ghi hình quảng cáo 50.000 USD, không nhận booking lẻ hay viết tút (status) quảng bá cho các nhãn hàng không phù hợp...
Diễn giải rõ hơn một chút thế này: Hiện trang Facebook cá nhân của thủ môn Bùi Tiến Dũng rất "hot", có hàng chục triệu lượt người vào xem mỗi ngày và rất đông người đặt chế độ theo dõi (follower), với hơn 2,6 triệu... Đây chính là một kênh quảng bá nhãn hàng mà các nhà làm truyền thông để mắt từ lâu và nay chính là cơ hội để họ tung chiêu làm giá. Ai muốn quảng bá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình qua Facebook của Dũng, phải chấp nhận các mức giá như trên, thông qua sự dàn xếp của Orion. Và tất nhiên, Orion cũng có phần.
Quả thật, nhìn vào cách làm này, thấy lợn cợn làm sao! Người Việt yêu tập thể U23 là bởi tài năng, sự cống hiến; quý các cầu thủ trẻ là bởi sự trong sáng, có phần ngây thơ. Hầu như ai cũng muốn chiến tích ấy và những hình ảnh tinh khôi ấy mãi đẹp trong lòng người hâm mộ, đừng bị vẩn đục bởi kim tiền hay các giá trị vật chất khác.
Nói điều đó là bởi chúng ta đã từng uống chén đắng của những cầu thủ bán mình cho quỷ như Văn Quyến, Quốc Vượng... một thời sau những ngày cuồng si với đội tuyển bóng đá quốc gia ở SEA Games 23. Nay, hỏi bất cứ người Việt nào, chắc chắn không một ai muốn điều đó lặp lại.
Do vậy, nay thấy xen lẫn trong hào quang tỏa rạng quanh các cầu thủ trẻ còn có vô số sợi dây cám dỗ của tiền bạc, của vật chất được giăng ra. Tiền của là cái đích để đạt tới nhưng cũng là sự thử thách, cũng là cạm bẫy và dễ sa ngã hơn ai hết chính là các cầu thủ trẻ. Hơn nữa, thành tích của U23 là thành tích tập thể, những cá nhân xuất sắc hiển nhiên sáng giá hơn nhưng không có nghĩa là lấy sự sáng giá của cá nhân ấy làm tiền thiên hạ, như cái cách "chia phần, cân gạo" mà Orion đã làm.
Nói thẳng, người lớn đừng làm hư các em, làm hư Bùi Tiến Dũng. Chưa gì đã dẫn dắt các tuyển thủ tuổi chưa "chín" vào thế giới kim tiền, của sự mặc cả, của sự đòi hỏi, của đua đòi là không nên. Làm như vậy là uổng công dạy dỗ của các lò đào tạo bóng đá và HLV Park Hang-seo. Làm như vậy là phá hỏng một thế hệ vàng của bóng đá nước nhà vốn không dễ tìm qua bao nhiêu năm. Không ai được phép làm điều đó, dù là công ty truyền thông tư nhân hay kể cả VFF.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm: Những ngày này và trong những ngày tới, các khoản thưởng phải xử lý cho khéo trong việc định công, phân chia. Tiền thưởng là tấm lòng của người hâm mộ, của các mạnh thường quân, của nhà nước, nếu xử lý không khéo, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết thì ê hề lắm, qua đó phụ lòng người yêu bóng đá biết nhường nào.
Xin minh định điều này: Bất cứ cầu thủ nào cũng có quyền làm hình ảnh, khai thác hình ảnh của bản thân để sinh lợi. Ai có tài thì người ấy xứng đáng được hưởng. Điều đó trên thế giới rất thông dụng và ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng trong vụ U23 Việt Nam và Bùi Tiến Dũng thì khác. Dũng chưa gật đầu với ai, Tập đoàn FLC là chủ quản của CLB bóng đá Dũng đang đầu quân mới có quyền "quản lý" Dũng; VFF và Dentsu Alpha là 2 đơn vị nắm giữ bản quyền khai thác hình ảnh các ĐTQG Việt Nam..., tất cả đều chưa có động thái nào..., vậy mà một công ty truyền thông đã nhảy xổm vào, rao bán hình ảnh của tuyển thủ, đó là sự xúc phạm, thể hiện sự sống sượng vô cùng, nhất là vào những ngày này.
Kiếm tiền có nhiều cách nhưng kiếm tiền bằng mọi giá như thế thì không phải là cách của người có lòng tự trọng!
Bảng giá "rao bán" Bùi Tiến Dũng của Orion